TN - Đất & Người

Vụ "chạy" chứng chỉ nghề y cả trăm triệu đồng: Thực hành một đường, cấp chứng chỉ một nẻo!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bệnh viện thừa nhận sai phạm trong việc ký xác nhận thời gian thực hành nhưng cũng chỉ ra trách nhiệm của phòng chuyên môn Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk trong việc bác sĩ thực hành chấn thương chỉnh hình nhưng được cấp chứng chỉ hành nghề… thẩm mỹ!
Ngày 16-6, một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) cho biết bệnh viện vừa có báo cáo giải trình theo yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk liên quan đến kết luận của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk trong việc cấp chứng chỉ thực hành ngành y cho 4 bác sĩ.
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên
Trước đó, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk kết luận là đã phát hiện 4 trường hợp bác sĩ ở tỉnh khác đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên không thực hành hoặc thực hành không đủ thời gian rồi chi hàng trăm triệu đồng để có được chứng chỉ thực hành ngành y.
Theo đó, ông Huỳnh Văn B. (ngụ tỉnh Lâm Đồng) có tham gia thực hành tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên khoảng 1 tháng (chưa đủ thời gian). Ba trường hợp còn lại là các ông: Lê Anh T. (ngụ Thừa Thiên Huế), Hứa Chí C. ( ngụ TP HCM) và Huỳnh Thanh G. (ngụ tỉnh Đồng Tháp) chưa từng tham gia thực hành tại bệnh viện này.
Tuy nhiên, 4 trường hợp trên đều có giấy xác nhận thời gian thực hành tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên. Sau đó, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cấp chứng chỉ hành nghề y. Ngoại trừ ông T không tới làm việc, 3 trường hợp còn lại giải trình đã thông qua những người khác làm giấy chứng chỉ hành nghề y từ 220 triệu đồng đến 300 triệu đồng/trường hợp.
Sau kết luận của Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã có văn bản giải trình vụ việc. Theo bệnh viện, tháng 7-2018, Phòng khám bác sĩ Trung (TP Buôn Ma Thuột) đến bệnh viện đặt vấn đề xin học nâng cao trình độ chuyên môn thời gian 12 tháng cho 7 bác sĩ. Hai bên ký hợp đồng, đóng tiền học phí cho 7 bác sĩ theo quy định (có hóa đơn đỏ). Tuy nhiên, sau đó, không rõ lý do chỉ có 4 bác sĩ nộp hồ sơ với các văn bằng liên quan và thực tế bệnh viện đã ký quyết định cho 4 bác sĩ học nâng cao trình độ 12 tháng.
Bệnh viện nhận khuyết điểm khi Phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện này làm thủ tục không gọi từng cá nhân lên để quán triệt các nội quy, quy chế trong thời gian thực hành nâng cao trình độ. Sau đó, lợi dụng trong thời gian di dời bệnh viện, các bác sĩ này không đến thực hành đầy đủ. Đến thời hạn 12 tháng, bác sĩ phó giám đốc bệnh viện không xem xét kỹ hồ sơ, đã ký xác nhận thời gian thực hành cho 4 bác sĩ nói trên. Bệnh viện đã kiểm điểm trách nhiệm Ban Giám đốc và cá nhân liên quan. Riêng bác sĩ H Xuân Niê, cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp đã bị kỷ luật cảnh cáo.
Cũng theo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, sau khi có xác nhận thời gian thực hành 12 tháng thì những cá nhân trên đến Sở Y tế mua hồ sơ để xin cấp Chứng chỉ hành nghề Thẩm mỹ. Việc cấp chứng chỉ này bệnh viện không nắm được và không còn trách nhiệm của bệnh viện. Việc thẩm định hồ sơ để cấp chứng chỉ hành nghề y là trách nhiệm của các phòng chức năng thuộc Sở Y tế. Tuy nhiên, sau đó theo kết luận của Thanh tra Sở Y tế Đắk Lắk, hồ sơ các bác sĩ này không hợp lệ nhưng vẫn được cấp chứng chỉ hành nghề Thẩm mỹ.
"Điều đặc biệt quan trọng là Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên không có Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ. Nếu thực hành đủ thời gian tại Khoa Chấn thương chỉnh hình thì có được cấp chứng cấp chứng chỉ hành nghề Thẩm mỹ không? Câu trả lời dành cho các cơ quan chức năng cao hơn. Việc chạy chứng chỉ hành nghề này có biểu hiện tiêu cực, chúng tôi mong muốn chờ các cơ quan chức năng làm rõ" – giải trình của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên nêu rõ.
Cao Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm