Hàng chục hộ dân thôn Boong Ring, xã Nâm Njang, huyện Ðắk Song bức xúc phản ánh với truyền thông việc một phụ nữ trong thôn bị chém toác bụng, rách đùi đã hơn 2 tháng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng khởi tố vụ án, xử lý thủ phạm và chẳng hiểu sao đất đai của họ bỗng dưng bị thu hồi cấp cho người khác.
Ông Hùng chăm sóc bà Lan sau khi xuất viện. Ảnh: HTN |
Thách thức dư luận
Ngày 3/9/2018, ông Trương Thanh Hùng (SN 1956) phản ánh với báo Tiền Phong, rằng đã hơn 2 tháng, kể từ khi ông Vũ Văn Giáo lia lưỡi dao của máy phát cỏ thẳng vào người bà Võ Thị Lan (SN 1954) vợ ông, khiến bà Lan trọng thương ngã gục tại chỗ. Tới nay không hiểu lý do gì, mà Công an huyện Đắk Song vẫn không khởi tố vụ án, không cho ông biết tỷ lệ giám định thương tật của bà Lan, cũng không trả lời để gia đình ông biết kết quả xử lý vụ việc ra sao. Còn kẻ chém bà Lan vẫn thách thức dư luận.
Phóng viên báo Tiền Phong đã về tận nơi xác minh, gặp dân chúng trong vùng, ai cũng bức xúc vì hành vi tàn ác của ông Giáo với người phụ nữ đau yếu đáng tuổi mẹ ông ta. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, bác sĩ đã phải khâu 5 mũi trên vết cắt dài 11,5 cm thủng bụng lộ ruột bà Lan; khâu tới 15 mũi để vá vết chém dài 22,5cm toác đùi bà. Sau 21 ngày điều trị tại bệnh viện, bà Lan về nhà để chồng con chăm sóc. Ở tuổi 64, là thương binh thời chống Mỹ với tỷ lệ thương tật 41%, giám định mất sức lao động 61%, lại lãnh thêm 2 nhát chém này, tới nay bà Lan đi đứng vẫn rất khó khăn, bước xuống bậc thềm phải có người dìu đỡ.
Nhiều hộ dân thôn Boong Ring đã đem hồ sơ ra chứng minh, rằng vụ đổ máu này có nguyên nhân từ việc chính quyền chả hiểu sao lại cấp bìa đỏ trùm hết phần đất mặt tiền quốc lộ 14 của 13 hộ dân cho bà Nguyễn Thị Đông, người về sống ở thôn này sau họ, nghe bảo để bà Đông “trồng rừng”. Chẳng biết bà Đông trồng rừng kiểu gì với chỉ hơn 2 hecta đất mặt đường, nhưng hàng chục lô vườn rẫy của dân từng được chính quyền địa phương xác nhận đủ điều kiện cấp “bìa đỏ” từ năm 2006, tỉnh Đắk Nông cũng đã đưa vào quy hoạch khu dân cư từ năm 2008 bỗng dưng đổi chủ, nên mới dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp.
Nạn nhân chưa được thông báo kết quả giám định
Các nhân chứng xác nhận: Chiều 26/6/2018, ông Giáo đem máy phát cỏ đi phá vườn của các hộ dân để “thu hồi đất”. Ông Giáo phát tới vườn bà Lan, bà Lan ra ngăn, liền bị ông Giáo dùng lưỡi dao của máy cắt chém thẳng vào đùi và bụng. Cô Lài (SN 1985) hàng xóm kể với phóng viên Tiền Phong: “Bà Đông chỉ ông Giáo cắt cây trong vườn nhà em trước, rồi cắt qua nhà cô Lan. Khi cô Lan ngã xuống, ôm đùi đầy máu kêu “Nó giết tui rồi ông ơi”, bà Đông vẫn đứng bật điện thoại quay video, lại còn nói to với ông Giáo “Giết chết nó đi, có người chịu rồi”. Em phải phụ chú Hùng khiêng cô Lan lên xe đi cấp cứu.”
Đúng ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, báo Tiền Phong đăng bài “Chém láng giềng để tự thu hồi đất”. Trước và sau ngày báo phát hành, nhiều lần phóng viên điện thoại hỏi trung tá Phạm Quốc Lập, Trưởng Công an huyện Đắk Song vì sao sự việc nghiêm trọng vậy mà không khởi tố? Trung tá Lập chỉ nói “đang xử lý theo
quy trình”.
Ông Trương Thanh Hùng buồn rầu than với phóng viên: Gia đình tôi 4 người, thì tôi và 2 con đều là đảng viên, vợ tôi là thương binh. Công an huyện đã trưng cầu giám định pháp y từ ngày 19/7, tổ chức thực nghiệm hiện trường từ ngày 31/7, vậy mà từ đó tới nay Công an huyện vẫn không cung cấp kết quả hay thông báo gì cho chúng tôi cả
Có dấu hiệu bất thường Phân tích vụ việc, luật sư Phan Ngọc Nhàn (Ðoàn Luật sư Ðắk Lắk) cho biết: Theo quy định tại khoản 2 Ðiều 207 BLTTHS, thì trong 7 ngày kể từ khi nhận được kết luận giám định, cơ quan điều tra phải thông báo kết luận giám định cho bị hại. Còn theo Ðiều 147 BLTTHS về thời hạn thủ tục giải quyết tin báo về tội phạm, thì trong vòng 20 ngày kể từ khi nhận được tin báo, cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố hay không. Thương tích của bà Lan nghiêm trọng như vậy mà giám định tỷ lệ chỉ 10%, rất vô lý! Nhưng cho dù chỉ với tỷ lệ đó, thì kẻ chém người này vẫn phải bị khởi tố theo quy định tại Ðiều 134 BLHS sửa đổi năm 2017, ở 3 điểm thuộc khoản 1 về tội cố ý gây thương tích nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân dưới 11%, vì thủ phạm đã dùng hung khí nguy hiểm (là lưỡi dao của máy cắt cỏ), tấn công người già yếu ốm đau không có khả năng tự vệ, hành vi có tính chất côn đồ. Vụ án “cố ý gây thương tích” xảy ra tại xã Nâm Njang, huyện Ðắk Song, xảy ra từ ngày 26/6 mà tới nay cơ quan điều tra huyện Ðắk Song vẫn chưa thông báo kết luận giám định cho bà Lan ông Hùng, chưa ra quyết định khởi tố vụ án, là có dấu hiệu bất thường trong tố tụng, khiến dân chúng nghi ngờ và bất an. |
Chủ tịch UBND tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo Chiều 28/8/2018, trao đổi với đại diện báo Tiền Phong, ông Nguyễn Bốn- Chủ tịch UBND tỉnh Ðắk Nông cho biết: Khi PV Tiền Phong gọi điện thoại phản ánh sự việc, ông đang họp Nội chính tỉnh, có các ngành liên quan ở đó. Hỏi vì sao để vụ này chậm trễ như vậy ? Giám đốc Công an tỉnh báo cáo Công an huyện đã đề nghị khởi tố, nhưng Viện Kiểm sát cùng cấp chưa phê chuẩn vì tỷ lệ thương tích của bà Lan chỉ có 10%. Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu cả 3 ngành Công an-Kiểm sát-Tòa án phải sắp xếp ngồi lại với nhau để thống nhất xử lý cho thỏa đáng, đúng pháp luật vụ chém người gây bất bình công luận này. |
Các vết thương nghiêm trọng do ông Giáo dùng máy cắt cỏ chém bà Lan. Ảnh dân tự chụp |
Hoàng Thiên Nga (TP)