Theo bản luận tội do VKS công bố, đến ngày 17-7, nhiều bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu" đã nộp khắc phục số tiền hơn 100 tỉ đồng và 1,5 triệu USD.
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó GĐ Công an Hà Nội là người nộp khắc phục hậu quả nhiều nhất. Ông Tuấn và gia đình đã nộp khắc phục 1,5 triệu USD.
Ước tính, với tỉ giá USD/VND mua vào do Vietcombank công bố ngày 17-7 là 23.460 đồng, ông Tuấn đã nộp lại hơn 35 tỉ đồng.
Ông Tuấn bị xét xử về tội môi giới hối lộ số tiền 2,65 triệu USD, tương đương hơn 61 tỉ đồng. Trong phần luận tội, VKS đánh giá bị cáo đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi và đề nghị mức án 6-7 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó GĐ Công an Hà Nội đã nộp 1,5 triệu USD. Ảnh: PHI HÙNG |
Bị cáo Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh A08 và gia đình đã nộp khắc phục số tiền 20 tỉ đồng.
Từ tháng 6-2021 đến tháng 1-2022, bị cáo Vũ Anh Tuấn đã nhận hối lộ 49 lần, tổng số 27,3 tỉ đồng, hưởng lợi 22,8 tỉ đồng. Ông Tuấn bị đề nghị mức án 19-20 năm về tội nhận hối lộ.
Trong vụ án, có ba cán bộ của A08 bị xét xử gồm bị cáo Tuấn, cựu Cục phó Trần Văn Dự, cựu cán bộ Vũ Sỹ Cường.
Đánh giá về hành vi của nhóm bị cáo này, VKS cho rằng các bị cáo có quan hệ là cấp trên, cấp dưới; đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn nhận hối lộ của doanh nghiệp và cá nhân để sớm có văn bản trả lời Bộ Ngoại giao về việc cấp phép chuyến bay.
Trong đó, bị cáo Vũ Anh Tuấn là người chủ mưu, đề xuất, đồng thời cũng là người thực hành tích cực, nhận và hưởng lợi số tiền nhận hối lộ nhiều nhất. Bị cáo Tuấn cũng không thông báo đầy đủ thông tin về số tiền nhận hối lộ với 2 bị cáo còn lại.
Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nộp số tiền 16,2 tỷ đồng. Ảnh: PHI HÙNG |
Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và gia đình nộp số tiền 16,2 tỷ đồng.
Trong quá trình cấp phép các chuyến bay cho các doanh nghiệp, từ tháng 12-2020 đến tháng 1-2022, bị cáo Dũng đã nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng của đại diện 13 doanh nghiệp.
Bị cáo Dũng được xem xét tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, nộp lại số tiền do phạm tội mà có. VKS đề nghị mức án 12-13 năm tù.
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế và gia đình nộp 15 tỉ đồng khắc phục hậu quả. Bị cáo đã nhận hối lộ 253 lần với số tiền 42,6 tỉ đồng.
VKS đánh giá bị cáo nhận tiền số lần nhiều nhất, và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất.
Khi vụ án bị khởi tố, để che giấu hành vi phạm tội của mình, bị cáo đã chuyển khoản trả lại cho các doanh nghiệp và cá nhân đưa hối lộ số tiền 12,2 tỉ đồng. Đồng thời nhờ các doanh nghiệp khai báo với cơ quan chức năng số tiền chuyển cho bị cáo là tiền vay mượn cá nhân.
Do vậy, VKS cho rằng đối với bị cáo Kiên cũng cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất dành cho bị cáo và đề nghị mức án tử hình.
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế và gia đình nộp 15 tỉ đồng. Ảnh: CTV |
Bị cáo Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Malaysia và gia đình đã nộp 5,5 tỉ đồng. Ông Thái xét xử về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng. Bản thân ông Thái hưởng lợi bất chính 580 triệu đồng.
Ông Thái bị VKS đề nghị mức án 5-6 năm tù.
Các bị cáo còn lại đã nộp số tiền khắc phục hậu quả vụ án từ 100 triệu đồng đến hơn 4 tỉ đồng.
Có một số bị cáo không nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án như Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Thái Hòa, Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng công an, Hoàng Anh Kiếm…