TN - Đất & Người

Vụ "cưa 1 cây khô, 5 người khốn khổ": Xuất hiện tình tiết mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trả lời UBND tỉnh Kon Tum vào năm 2011, TAND Tối cao hướng dẫn giá trị cây bị chặt phá trên 50 triệu đồng thì người vi phạm mới có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Như Báo Người Lao Động đã liên tục thông tin, tháng 4-2016, ông Phan Tiến Dũng (nguyên cán bộ của Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy) để Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Thụ, Lê Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bình (cùng trú huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) vào rừng đặc dụng Đắk Uy cưa một cây trắc chết khô lấy một lóng gỗ khối lượng 0,123 m3 thì bị phát hiện và bị khởi tố về "tội "Trộm cắp tài sản".
Năm bị cáo dắt nhau đến các cơ quan chức năng gửi đơn kiến nghị
Năm bị cáo dắt nhau đến các cơ quan chức năng gửi đơn kiến nghị
Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà đã tuyên phạt 5 bị cáo nói trên từ 12-15 tháng tù giam. Tháng 4-2017, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng. Sau đó, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm lần 2 tuyên phạt từ 11-14 tháng tù giam về tội "Trộm cắp tài sản".
Ngày 1-6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm lần 2, tuyên các bị cáo không phạm tội "Trộm cắp tài sản". Ngày 26-7-2018, TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm lần 2.
Mới đây, có thêm tình tiết mới là sau việc ngày 9-9-2011, UBND tỉnh Kon Tum có công văn gửi TAND Tối cao xin ý kiến về việc áp dụng pháp luật để xử lý các vụ việc chặt trộm gỗ trắc tại rừng đặc dụng thì ngày 14-10-2011, TAND Tối cao có Văn bản số 157/TANDTC-KHXX (văn bản 157) trả lời rằng với gỗ trắc (thuộc nhóm IIA), nếu không xác định được thiệt hại bằng diện tích nhưng giá trị bị chặt phá từ 50 triệu đến 100 triệu đồng thì người vi phạm mới có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 2 điều 189 Bộ Luật Hình sự (tức tội "Hủy hoại rừng" chứ không phải "Trộm cắp tài sản"). Như vậy, số lượng gỗ trắc và diện tích rừng bị khai thác trái phép tại rừng đặc dụng Đắk Uy không vượt quá mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 99-2009/NĐ-CP ngày 2-9-2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Thế nhưng, trong vụ "Cưa cây khô bị xử tội trộm cắp" xảy ra năm 2016 tại rừng đặc dụng Đắk Uy, TAND Tối cao lại yêu cầu xử lý khác. Cụ thể, tang vật là một khúc gỗ trắc thuộc nhóm IIA, khối lượng chỉ 0,123 m3 và Hội đồng Định giá tài sản tố tụng hình sự huyện Đắk Hà định giá chỉ 19,68 triệu đồng. Nếu theo Văn bản 157 TAND Tối cao đã hướng dẫn thì chỉ có thể xử phạt hành chính các bị cáo theo Nghị định 99-2009/NĐ-CP. Tuy nhiên, khi bản án phúc thẩm tuyên các bị cáo không phạm tội "Trộm cắp tài sản" và yêu cầu xử phạt hành chính thì TAND Tối cao lại kháng nghị như đã nêu trên.
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng hướng dẫn trong Văn bản 157 và quyết định kháng nghị giám đốc thẩm là sự áp dụng pháp luật không thống nhất của TAND Tối cao. "Trong Văn bản 157 không có yếu tố nào hướng dẫn xử lý tội "Trộm cắp tài sản" mà chỉ xem xét đối với hành vi cưa cây đủ định lượng thì xử lý tội "Hủy hoại rừng", không đủ thì xử lý hành chính. Ở đây, khối lượng gỗ không đủ định lượng sao phải khăng khăng xử lý hình sự mà lại là tội "Trộm cắp tài sản" - luật sư Hoan nói. 
Phải đủ định lượng
Trong văn bản trả lời báo chí mới đây, Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng khẳng định hành vi của 5 bị cáo trong vụ án trên là không thể xử lý hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính vì tang vật lấy đi phải đủ định lượng, tức từ 5 m3 trở lên mới có thể áp dụng các quy định tại điều 175 Bộ Luật Hình sự 1999 (tội "Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng") và xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.

Hoàng Thanh (NLĐ)

Có thể bạn quan tâm