(GLO)- Diễn biến khó lường của thời tiết, lượng mưa năm nay tại các khu vực trên địa bàn tỉnh thấp hơn trung bình nhiều năm trở lại đây. Điều này khiến ngành nông nghiệp và nông dân các địa phương không khỏi lo lắng về nước tưới cây trồng vụ Đông Xuân 2015-2016. Đặc biệt, năm nay hiện tượng El Nino được dự báo sẽ rất khốc liệt và kéo dài trên diện rộng dẫn đến thiệt hại cho các loại cây trồng. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, cơ quan chuyên môn cùng các địa phương đang triển khai các biện pháp cấp bách hạn chế thấp nhất tình trạng cây trồng bị hạn.
Nạo vét kênh mương. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông cho hay: “Trước những dự báo về nguy cơ hạn hán trong vụ Đông Xuân 2015-2016 do lượng mưa năm nay thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20% đến 30%. Vì vậy, để chủ động sản xuất vụ Đông Xuân giành thắng lợi, Phòng đang phối hợp các xã, thị trấn tập trung rà soát và khảo sát một số vùng thường xuyên bị hạn, như cánh đồng làng Lũh, Klãh (xã Ia Băng) diện tích khoảng 50 ha; cánh đồng Ia Cành, Ia Nhung (xã Thăng Hưng) khoảng 30 ha; cánh đồng làng Siu, O Ngol (xã Ia Vê) rộng 40 ha; một số diện tích dọc các suối Ia Me, Ia Kly, Ia Drăng… Dựa trên cơ sở này, các xã, thị trấn đang tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang cây trồng khác; không tiếp tục gieo sạ những diện tích bị thiệt hại của những vụ sản xuất trước và kiên quyết không để người dân gieo sạ lúa ở vùng thường xuyên bị hạn; hướng dẫn người dân sử dụng các giống ngắn ngày, chịu hạn tốt để mang lại kết quả cao nhất”.
Thực tế không chỉ Chư Prông mà nỗi lo thiếu nước tưới cho cây trồng trong vụ Đông Xuân năm nay đã trở thành nỗi lo chung của các địa phương trong tỉnh. Bởi lẽ lượng mưa năm nay thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20% đến 40%; mùa mưa kết thúc sớm dẫn đến nhiều công trình thủy lợi, hồ chứa đến nay vẫn chưa tích đủ nguồn nước theo đúng cao trình thiết kế. Các công trình do địa phương quản lý vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt hàng triệu m3 nước tưới, như: Ia Hdreh, Phú Cần (huyện Krông Pa). Lượng mưa đạt thấp, dẫn đến diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm nay dự kiến toàn tỉnh gieo trồng khoảng 63.500 ha cây trồng các loại; trong đó tập trung chủ yếu là lúa Đông Xuân 25.810 ha, giảm 500 ha. Nguyên nhân giảm là do kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 195/QĐ-UBND; vụ Đông Xuân năm nay Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương dự kiến chuyển đổi 500 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị trường tiêu thụ hiện nay, tập trung chủ yếu tại các huyện: Chư Prông 100 ha, Krông Pa 80 ha, Mang Yang 60 ha, Đak Pơ 60 ha, Ia Pa 40 ha, Kbang 30 ha, Chư Pah 20 ha và TP. Pleiku 35 ha…
Nông dân huyện Ia Grai sử dụng bơm tưới di động tưới cà phê. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Để sản xuất vụ Đông Xuân năm nay đạt kết quả cao, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho các vùng trong tỉnh. Trên cơ sở này, các địa phương xây dựng lịch thời vụ sát với điều kiện thực tiễn sản xuất của người dân và nguồn nước tưới ở từng cánh đồng. Tranh thủ thời tiết thuận lợi có thể đẩy lịch thời vụ sớm hơn nhằm “né hạn” vào cuối vụ. Đặc biệt, cơ cấu giống cây trồng được quan tâm chặt chẽ khi các giống lúa ngắn ngày, chịu hạn tốt, năng suất cao, như: Hương thơm 1, OM 6976, Ma lâm 48, Ma lâm 202, ngoài ra bổ sung thêm các giống DV108, Ma lâm 49, TH 6… được Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh cung ứng kịp thời cho người dân; Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai kế hoạch gieo sạ, sử dụng giống bắp lai Bioseed 9698, CP 919, CP 333, giống mía bổ sung khoảng 30% diện tích giống chín sớm K95-84, K95-156, 70% diện tích sử dụng giống chín trung bình và muộn LK 92-11, KK3. Đồng thời, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 4-11-2015 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng-chống hạn vụ Đông Xuân 2015-2016 và ứng phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Ngành nông nghiệp và PTNT, các đơn vị quản lý khai thác các công trình thủy lợi, cùng các địa phương vẫn đang tích cực tìm các giải pháp tối ưu nhất để sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm, hiệu quả, như: điều tiết nước tưới hợp lý, nạo vét kênh mương, tưới nước tiết kiệm… để đảm bảo cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, mang lại năng suất cao cho nông dân.
Trong vụ Đông Xuân 2014-2015 và vụ mùa 2015, hạn hán gây thiệt hại khoảng 169,4 tỷ đồng. Trong đó vụ Đông Xuân thiệt hại khoảng 141,21 tỷ đồng với diện tích cây trồng bị thiệt hại là 9.845,19 ha. Thiệt hại trong vụ mùa khoảng 28,19 tỷ đồng với trên 2.400 ha cây trồng bị hạn rải rác ở các địa phương trong tỉnh. |
Vụ Đông Xuân 2015-2016 đang trong giai đoạn khởi động, công tác chuẩn bị nguồn vật tư đáp ứng yêu cầu sản xuất đã sẵn sàng. Tuy nhiên, với nhận định sự khốc liệt của thời tiết do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino; để chủ động sản xuất vụ Đông Xuân giành thắng lợi, ngành nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương đang nỗ lực triển khai các giải pháp cụ thể ứng phó với khô hạn, giảm thấp nhất thiệt hại cho nông dân.
Nguyễn Diệp