AFP dẫn lời giới phân tích nhận định, động thái của Trung Quốc nhằm phá giá đồng tiền quốc nội có thể giúp bù đắp thuế quan của Mỹ, nhưng mặt khác lại có khả năng làm tổn thương những nỗ lực củng cố nền kinh tế đang suy yếu của chính Bắc Kinh.
Nhiều nhà phân tích dự báo, Bắc Kinh sẽ còn cho phép đồng NDT giảm hơn nữa.
Mặc dù Thống đốc Ngân hàng T.Ư Trung Quốc Dịch Cương khẳng định hôm 5/8 rằng nước này sẽ "không tham gia phá giá cạnh tranh", Washington vẫn chính thức xác định Bắc Kinh thao túng tiền tệ - lần đầu tiên kể từ năm 1994 - khi đồng NDT giảm xuống dưới ngưỡng 7NDT/USD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ vì đồng NDT yếu hơn sẽ khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc - vốn nằm ở trung tâm của cuộc thương chiến - rẻ hơn.
Chính quyền Trung Quốc hôm nay (6/8) "kiên quyết phản đối" chỉ định mới của Mỹ. Ông Dịch cũng cho biết, Bắc Kinh sẽ không sử dụng khấu hao "như một công cụ để đối phó với các xáo trộn bên ngoài như tranh chấp thương mại" và khẳng định Ngân hàng T.Ư sẽ duy trì "tỷ giá NDT ổn định và cân bằng".
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích dự báo, Bắc Kinh sẽ còn cho phép đồng NDT giảm hơn nữa.
Bo Zhuang - chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại TS Lombard nói rằng, đà sụt giảm của đồng NDT là kết quả rõ ràng của "sự can thiệp chính sách tiền tệ tích cực" nhằm đối phó với mối đe dọa thuế quan gần đây nhất của ông Trump.
Căng thẳng đã gia tăng nhanh chóng kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan mới đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ ngày 1/9. Điều này khiến hầu như tất cả 660 tỷ USD kim ngạch thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang là mục tiêu trừng phạt.
Theo dự đoán của ông Bo, đồng NDT có thể suy yếu thêm 3%, xuống mức 7,25/USD vào tháng 8 và có thể chạm ngưỡng 7,5/USD vào năm 2020 nếu Mỹ tiếp tục trả đũa bằng cách áp thuế ở mức 25% đối với tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Nhưng sự khấu hao này đang khiến các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh phải lo lắng.
"Chúng tôi không nghĩ rằng (Trung Quốc) sẽ để đồng NDT suy yếu một cách bừa bãi, vì sự mất giá đáng kể có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng và gây bất ổn cho nền kinh tế trong nước", Stephen Innes, đồng quản lý tại VM Markets Pte Ltd Singapore cho biết.
Các nhà phân tích khác đồng ý rằng, Bắc Kinh đang tính đến một dòng vốn lớn - điều sẽ ngăn Ngân hàng T.Ư cho phép quá nhiều biến động tiền tệ mạnh mẽ.
Mark Sobel, cựu quan chức chính sách quốc tế và tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ cho biết: "Có lẽ họ (Trung Quốc) sẽ tìm cách ngăn chặn bất kỳ biến động NDT nào quá lớn hoặc nhanh chóng, thông qua việc tiếp tục thực hiện kiểm soát vốn chặt chẽ".
Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ.
Thương chiến trở thành "cái cớ"
Nền kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại - tăng trưởng giảm xuống mức yếu nhất trong gần 3 thập kỷ trong quý II - và cuộc chiến thương mại khốc liệt dễ dàng trở thành lý do nếu tình hình không được cải thiện.
"Từ góc độ chính trị, đổ lỗi cho chính quyền Trump bây giờ có thể đã trở thành một chiến lược khả thi cho Bắc Kinh", ông Bo nói, "trong trường hợp sự tăng trưởng của Trung Quốc không đạt được mục tiêu lâu dài đã đề ra... Bắc Kinh có thể chỉ vào Mỹ như là nguyên nhân khiến Trung Quốc chậm lại, thay vì thừa nhận bất cứ chính sách sai lầm nào".
Và tiền tệ sẽ chỉ là một trong nhiều công cụ mà Bắc Kinh nói rằng họ có thể sử dụng để tăng áp lực lên Washington, bao gồm cả khả năng bán hết 1,1 nghìn tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ.
"Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại lâu dài với Mỹ", Rodrigo Catril, chiến lược gia cao cấp tại Ngân hàng Quốc gia Úc cho biết, "các sự kiện gần đây cho thấy một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung là khó có thể xảy ra".
Hương Thảo ( Kinhtedothi/Theo AFP)