Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

'Vũ khí' mới của Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ với Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bắc Kinh đang dành sự hỗ trợ đặc biệt của chính phủ cho hàng nghìn công ty khởi nghiệp công nghệ mới trên các lĩnh vực quan trọng chiến lược.

Ở Trung Quốc, những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba Group Holding và Tencent Holdings hiện không còn được nhiều ưa chuộng khi làn sóng những “người khổng lồ nhỏ” bắt đầu gia tăng. “Người khổng lồ nhỏ” (little giant) là cách gọi dành cho thế hệ công ty khởi nghiệp mới được lựa chọn trong chương trình đầy tham vọng của chính phủ, nhằm xây dựng và thúc đẩy một ngành công nghệ có thể cạnh tranh với Thung lũng Silicon.

Các công ty thường ít được biết đến này đã chứng minh họ đang làm những điều sáng tạo và độc đáo, đồng thời nhắm mục tiêu vào lĩnh vực quan trọng về mặt chiến lược như robot, máy tính lượng tử và chất bán dẫn.

 

Đồng sáng lập công ty khởi nghiệp xe tự lái Uisee Wu Gansha (trái) và COO ForwardX Robotics Guan Yaxin đại diện cho làn sóng “người khổng lồ nhỏ” của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg
Đồng sáng lập công ty khởi nghiệp xe tự lái Uisee Wu Gansha (trái) và COO ForwardX Robotics Guan Yaxin đại diện cho làn sóng “người khổng lồ nhỏ” của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg


Con dấu chấp thuận

Công ty Uisee của ông Wu Gansha đã giành được danh hiệu người khổng lồ nhỏ cho công ty khởi nghiệp xe tự lái sau đánh giá của chính phủ về công nghệ. Điều đó đã mang lại cho Uisee sự thúc đẩy về uy tín và lợi ích tài chính. Năm ngoái, Uisee huy động được hơn 1 tỉ nhân dân tệ (khoảng 157 triệu USD), bao gồm cả tiền từ một quỹ quốc doanh. Hãng này cũng trở thành kỳ lân công nghệ với định giá ít nhất là 1 tỉ USD. “Thật vinh dự khi được là người khổng lồ nhỏ bé. Yếu tố lựa chọn của nhà nước là các công ty phải sở hữu một số đặc điểm mà những công ty khác không có”, ông Wu nói.

Chương trình về làn sóng các công ty khởi nghiệp mới đã tồn tại hơn một thập niên, nhưng nó trở nên nổi bật hơn sau khi Bắc Kinh tiến hành kiểm soát sâu rộng nhắm vào các công ty hàng đầu như Alibaba và Tencent. Danh hiệu “người khổng lồ nhỏ” đã trở thành thước đo có giá trị mang tính chứng thực của chính phủ. Nó cũng là tín hiệu cho nhà đầu tư và nhân viên thấy rằng đó là công ty được cách ly khỏi sự trừng phạt từ quy định pháp luật.

“Danh hiệu này hữu ích cho các công ty khởi nghiệp về nhiều mặt: đó là một khoản trợ cấp, đó là một khoản tài trợ, đó là một vinh dự. Đó còn là con dấu của sự chấp thuận”, ông Lee Kai-Fu, Giám đốc điều hành công ty liên doanh Sinovation, nói.

 

Chiến lược đầy tham vọng

Chương trình “người khổng lồ nhỏ” là chìa khóa cho chiến lược đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm định vị lại ngành công nghệ của đất nước. Trong hai thập niên, Trung Quốc chủ yếu đi theo mô hình Thung lũng Silicon, cho phép các doanh nhân theo đuổi tham vọng của họ mà không có sự giám sát của chính phủ. Điều đó đưa đến những thành công to lớn, bao gồm sự ra đời của nhà tiên phong thương mại điện tử Alibaba, gã khổng lồ truyền thông xã hội Tencent và ByteDance.

Tuy nhiên, trong một loạt động thái về quy định trong năm qua, Bắc Kinh đã tuyên bố rõ ràng rằng ngành công nghệ phải được thiết kế lại để phù hợp với ưu tiên của chính phủ. Alibaba và Tencent nhanh chóng bị buộc phải bỏ hành vi chống cạnh tranh, và các công ty trò chơi phải giới hạn trẻ vị thành niên chỉ được chơi trực tuyến 3 giờ mỗi tuần. Nói rộng hơn, chính phủ đã gửi đi một tín hiệu rằng các dịch vụ internet đã không còn được ưa chuộng. Thay vào đó, Bắc Kinh muốn chuyển nguồn lực sang công nghệ quan trọng về mặt chiến lược như chip và phần mềm doanh nghiệp.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) đã xác định 4.762 “người khổng lồ nhỏ” kể từ năm 2019, phần lớn trong ngành bán dẫn, máy móc và dược phẩm. Việc chỉ định này thường đi kèm với ưu đãi sinh lợi từ chính quyền trung ương hoặc chính quyền cấp tỉnh, bao gồm cắt giảm thuế, các khoản vay hào phóng và chính sách thu hút nhân tài thuận lợi.

Kế hoạch vượt hơn hẳn nhiều nước

Nhiều chính phủ trên thế giới, từ Mỹ đến châu Phi, đều thiết lập chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ hơn, nhưng kế hoạch của Trung Quốc vượt hơn hẳn những nỗ lực đó về quy mô, nguồn lực và tham vọng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thiết lập các chương trình giải ngân chung hàng nghìn tỉ USD để theo đuổi sức mạnh kinh tế, ổn định xã hội và độc lập về công nghệ.

Cuộc chiến thương mại và công nghệ với Mỹ làm cản trở quyết tâm xây dựng một ngành công nghiệp tự cung tự cấp của Trung Quốc. Lỗ hổng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lộ ra khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa các ông lớn công nghệ đại lục như Huawei Technologies và Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) vào danh sách đen, khiến các công ty này không thể mua linh kiện quan trọng của Mỹ như chipset và phần mềm công nghiệp, dẫn đến tê liệt hoạt động sản xuất.

Khái niệm “người khổng lồ nhỏ” có từ năm 2005, khi chính quyền địa phương tỉnh Hồ Nam đưa ra chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. MIIT đã tán thành chiến dịch Hồ Nam, trong đó bao gồm khoản cấp đất và hỗ trợ tài chính, như một mô hình để phát triển khu vực tư nhân. Chính quyền địa phương ở những nơi như Thiên Tân cũng bắt đầu sáng kiến ​​của riêng họ. Năm 2018, giữa lúc diễn ra cuộc chiến thương mại với Mỹ, chính phủ trung ương bắt đầu nghiêm túc thúc đẩy chương trình này. MIIT công bố kế hoạch tạo ra khoảng 600 "người khổng lồ nhỏ" để phát triển các công nghệ cốt lõi. Ứng viên nộp đơn với một biểu mẫu dài 6 trang nêu chi tiết tình trạng tài chính, số lượng bằng sáng chế và thành tích nghiên cứu. Trong vòng tuyển chọn đầu tiên, mỗi tỉnh chỉ được đề cử không quá 10 công ty. Ba trung tâm công nghệ hàng đầu của Trung Quốc là Bắc Kinh, Thâm Quyến và Thượng Hải chỉ có 17 ứng cử viên.

Kể từ đó, MIIT đã mở rộng chương trình cho hàng nghìn công ty, với khoảng 1.000 “người khổng lồ nhỏ được ưu tiên” ở đầu hệ thống phân cấp. Tháng 1.2022, Bộ Tài chính Trung Quốc đã dành ít nhất 10 tỉ nhân dân tệ để tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến năm 2025. Mục tiêu là tạo ra 10.000 "người khổng lồ nhỏ" vào năm 2025.

Có những rủi ro đáng kể

Thành công của ngành công nghệ Trung Quốc trong 10 năm qua đến từ việc cho các doanh nhân như Jack Ma của Alibaba và Zhang Yiming của ByteDance tự do xây dựng doanh nghiệp của họ. Theo ông Barry Naughton, giáo sư, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Đại học California, San Diego (Mỹ), việc lật ngược mô hình để tập trung vào ưu tiên của chính phủ có nguy cơ dẫn đến lãng phí tài nguyên, nhân tài và có khả năng thất bại. “Đây là những công ty nhỏ được nuôi dưỡng vì họ có thể là nhà cung cấp thay thế. Nhưng bạn nuôi dưỡng họ như thế nào? Bạn ném tiền vào họ?”.

Những “người khổng lồ nhỏ” đã trở thành mục tiêu phổ biến của giới đầu tư mạo hiểm. Một nhà đầu tư mạo hiểm cho biết một số công ty khởi nghiệp trong chương trình có thể huy động vốn trong 6 tháng, đồng thời tăng định giá của họ từ 50% đến 75%. Một nhà đầu tư mạo hiểm khác được cho là chỉ đầu tư vào các công ty được chính phủ xác định là "người khổng lồ nhỏ".

Các khoản đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc đạt kỷ lục vào năm ngoái bất chấp quy định kiểm soát. Theo công ty nghiên cứu Preqin, giá trị của các thương vụ đã tăng khoảng 50% vào năm 2021 lên 130,6 tỉ USD. EcoFlow, công ty khởi nghiệp về pin di động ở Thâm Quyến, thông báo gây quỹ thành công 100 triệu nhân dân tệ do Sequoia dẫn đầu, sau khi công ty giành được danh hiệu người khổng lồ nhỏ từ MIIT. Theo Bloomberg, Trung Quốc còn thiết lập một sàn giao dịch chứng khoán chuyên dụng ở Bắc Kinh vào năm ngoái để giúp các doanh nghiệp nhỏ huy động vốn.

Theo PHƯƠNG ANH (TNO)

Có thể bạn quan tâm