TN - Đất & Người

Vụ người tâm thần bắn chết người:VKS tỉnh Đắk Lắk chưa làm hết trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nguyễn Xuân Lộc (SN 1992, trú tại xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) là người gây ra vụ án mạng kinh hoàng tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nhưng thoát tội nhờ bệnh án tâm thần. Mới đây, Thanh tra Viện KSND Tối cao nhận xét với vụ này, cơ quan điều tra Viện KSND tỉnh Đắk Lắk đã chưa làm hết trách nhiệm giám sát việc thực thi pháp luật trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Lan - mẹ của nạn nhân Nguyễn Anh Kha trong vụ giết người ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho rằng Nguyễn Xuân Lộc không hề bị tâm thần Ảnh: Vũ Long
Bà Nguyễn Thị Lan - mẹ của nạn nhân Nguyễn Anh Kha trong vụ giết người ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho rằng Nguyễn Xuân Lộc không hề bị tâm thần Ảnh: Vũ Long
Gây án ở Đắk Lắk: Giết người khi rất tỉnh táo
Vụ án chấn động phố núi đã xảy ra hơn 2 năm nay, nhưng kẻ thủ ác vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật nhờ có bệnh án tâm thần. TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đưa ra nhận định: Lộc trước, trong và sau khi gây án đều rất tỉnh táo.
Sau khi vụ án xảy ra, cán bộ của Viện KSND tỉnh Đắk Lắk là Nguyễn Thị Thanh Tâm có mặt hiện trường. Nhưng cáo trạng lần thứ nhất không xác định được ai là người dùng súng bắn Kha. Đọc qua cáo trạng còn dễ nhầm đồng phạm Trần Kiêm Hoàng mới là thủ phạm chính của vụ án. Kết luận số 60 của Thanh tra Viện KSND Tối cao đã chỉ ra lời khai của bị can, nhân chứng có nhiều mâu thuẫn. Kiểm sát viên Nguyễn Thị Thanh Tâm chưa làm hết trách nhiệm, chậm đề ra yêu cầu điều tra để làm rõ hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, chưa xác định chính xác đối tượng trực tiếp bắn bị hại, dẫn đến việc vụ án này bị hủy. Cáo trạng lần thứ 2 lại khiến người nghe nhầm tưởng, trong lúc Lộc với Kha đang “giằng co” thì súng “cướp cò”, dẫn đến cái chết của nạn nhân. Tuy nhiên, phân tích từ Kết luận giám định pháp y thì vết đạn từ trên vai xuyên nội tạng, cho thấy nạn nhân bị dí súng bắn ở cự li rất gần.
Kết luận số 60 nhận định: do gia đình cung cấp hồ sơ bệnh án tâm thần, nên đến ngày 30/6/2016 (sau khi Lộc gây án hơn 5 tháng - PV) Cơ quan điều tra mới trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với Lộc. Rồi Lộc tiếp tục được đưa đi chữa bệnh tâm thần. “Bị can Lộc đã từng tham gia gây án giết người ở tỉnh Đắk Nông. Sau đó, cơ quan giám định pháp y kết luận Lộc bị bệnh tâm thần, nên không xử lý hình sự. Trong vụ án này, dư luận, báo chí nêu Lộc “giả điên”, vẫn sống ngoài xã hội, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; sử dụng ô tô đi chơi. Nhưng cơ quan điều tra và Viện KSND tỉnh Đắk Lắk không có biện pháp giám định lại đối với Lộc nhằm đảm bảo giải quyết vụ án đúng căn cứ pháp luật. Trách nhiệm thuộc về ông Lê Quang Tiến - Phó Viện trưởng, ông Phạm Quang Hưng - Trưởng phòng và bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Kiểm sát viên Viện KSND tỉnh Đắk Lắk” - Kết luận số 60/KL-VKSTC nêu.
Gây án ở Đắk Nông: “Tâm thần” vẫn được cấp bằng lái B2
Từ cuối năm 2011, Lộc cầm đầu vụ gây án mạng kinh hoàng xảy ra tại huyện Cư Jút , Đắk Nông, vụ án sau đó được đình chỉ do xác định Lộc bị  bệnh “tâm thần”. Năm 2013,  là thời gian đang đi chữa bệnh tâm thần, Lộc lại đi khám, đủ điều kiện và sức khỏe để tham dự lớp học để được cấp bằng lái B2. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Văn Mạnh - Phó giám đốc Sở GTVT Đắk Nông khẳng định: Sở đã làm đúng và đầy đủ các thủ tục theo các quy định do Bộ GTVT đã đề ra. Toàn bộ hồ sơ gốc, Sở đã trả hết cho học viên, chỉ lưu lại các thông tin liên quan.
“Nếu xác định người này bị tâm thần thật sự, Sở sẽ làm công văn đề nghị thu hồi bằng lái B2” - ông Mạnh nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Lộc có bệnh án tâm thần sau khi gây án ở Cư Jút (Đắk Nông), liệu có khách quan không? Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng tham mưu tổng hợp, kiêm người phát ngôn của Công an tỉnh Đắk Nông cho biết: 3 tháng sau khi gây án Lộc có bệnh án tâm thần do Trung ương phân viện phía Nam công bố. Dựa trên quy định của pháp luật, người bị tâm thần gây án thì phải đình chỉ điều tra.
Hai lần đều thoát án vì bệnh “tâm thần”
Như Tiền Phong đưa tin, theo cáo trạng, khuya 20/1/2016, Lộc điều khiển xe ô tô, dùng súng K59 (khẩu súng được Lộc mua cùng với 10 viên đạn tại bến xe miền Đông, TP Hồ Chí Minh vào năm 2015-PV) bắn chết Nguyễn Anh Kha trước quán phở ở trung tâm TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Vụ án do các cơ quan tố tụng ở tỉnh Đắk Lắk thụ lí và giải quyết. Sau hơn  nhiều tháng gây án, ngày 30/6/2016 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk mới cho trưng cầu giám định tâm thần. Trước đó, tại huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) vào cuối năm 2011, Lộc còn “chỉ huy” 8 đối tượng đánh chết anh Y Nhôih (SN 1976) và đánh Y’GrinYa (SN 1986) thương tích 19% trong  lần đầu tiên gặp mặt. Cả hai nạn nhân đều trú tại Cư Jút, Đắk Nông. Vụ án này do cơ quan tố tụng ở Đắk  Nông (cụ thể là ở huyện Cư Jút) giải quyết. Sau khoảng 3 tháng gây án, từ kết luận giám định bệnh tâm thần, cơ quan CSĐT Công an huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) cũng đình chỉ điều tra đối với Lộc. 
Vũ Long (Tiền Phong)

Có thể bạn quan tâm