Pháp luật

Tin tức

Vụ sai phạm tại Trung tâm Pháp y tỉnh: Người trong cuộc nói gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)-Sở Y tế vừa có công văn kiến nghị UBND tỉnh chuyển hồ sơ vụ sai phạm hơn 750 triệu đồng tại Trung tâm Pháp y tỉnh sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh để tiếp tục làm rõ.


Sở Y tế cho rằng quyết toán sai quy định

Tháng 5-2022, Sở Y tế nhận được đơn của một số cá nhân tố cáo ông Tào Quang Bích-Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh có hành vi sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách. Ngày 7-6-2022, Sở Y tế có Quyết định số 574/QĐ-SYT thành lập đoàn xác minh nội dung tố cáo đối với ông Tào Quang Bích.

Sau hơn 2 tháng tiến hành xác minh, ngày 19-8-2022, Sở Y tế đã có Kết luận số 31/KL-SYT về những sai phạm của ông Tào Quang Bích. Theo đó, từ đầu năm 2019 đến tháng 3-2021, ông Bích không đi giám định tử thi tại các tỉnh Đak Lak, Kon Tum, Bình Định nhưng vẫn làm khống giấy đi đường để thanh toán 9,4 triệu đồng và nhận tiền giám định tử thi 15 trường hợp, giám định tổng hợp 32 trường hợp với tổng số tiền hơn 30,3 triệu đồng không đúng quy định.

Cũng theo kết quả xác minh, tính đến hết tháng 6-2022, ông Bích có tên trong 591 hồ sơ giám định tử thi. Trong đó, 14 hồ sơ ông Bích tham gia, ký biên bản khám nghiệm tử thi tại hiện trường và nhận bồi dưỡng 22 triệu đồng; 577 hồ sơ ông không có mặt, không thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn nhận bồi dưỡng hơn 729 triệu đồng. Cũng trong số 577 hồ sơ đó, có 15 hồ sơ ông Bích nhận tiền bồi dưỡng trong thời gian nghỉ phép và đi công tác với số tiền 18 triệu đồng; 562 hồ sơ ông Bích không có mặt nhưng vẫn ký nhận 711 triệu đồng tiền bồi dưỡng liên quan đến 24 cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chi trả cho ông.

 Trụ sở Trung tâm Pháp y tỉnh. Ảnh: Hạ Vy
Trụ sở Trung tâm Pháp y tỉnh. Ảnh: Hạ Vy


Về việc ông Bích không đi giám định tử thi nhưng vẫn nhận hơn 29,7 triệu đồng tiền phụ cấp độc hại, đoàn xác minh cho rằng không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do có nhiều khúc mắc về các hướng dẫn chi phụ cấp độc hại nên Sở Y tế đang xin ý kiến của Bộ Y tế trước khi kết luận về nội dung này. Như vậy, tổng số tiền sai phạm liên quan đến ông Bích là hơn 750 triệu đồng.

Sau khi xác minh làm rõ, Sở Y tế yêu cầu ông Bích có trách nhiệm nộp vào ngân sách nhà nước số tiền sai phạm hơn 40,3 triệu đồng. Riêng số tiền hơn 711 triệu đồng do liên quan đến 24 cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh đã chi trả cho ông Bích không đúng quy định, do tính chất phức tạp, vượt quá thẩm quyền nên Sở đã kiến nghị UBND tỉnh chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh để tiếp tục làm rõ.

Người trong cuộc nói gì?

Trao đổi với P.V, ông Bích lý giải: Đối với nội dung không đi giám định tử thi và giám định tổng hợp nhưng vẫn nhận tiền bồi dưỡng là do điều kiện cơ quan không đủ giám định viên, cũng không có phó giám đốc nên ông đã ủy quyền cho giám định viên để trực tiếp khám nghiệm. Khám nghiệm xong cần làm các xét nghiệm cận lâm sàng, đến khi có kết quả thì phải thành lập hội đồng chuyên môn mà ông là Chủ tịch hội đồng nên dù không tham gia trực tiếp vẫn đảm bảo tổ chức điều hành họp hội đồng, làm biên bản cuộc họp các thành viên kíp giám định. “Những trường hợp mà theo kết luận của Sở Y tế đưa ra, chúng tôi đều tổ chức họp hội đồng chứ không kết luận ngay trong ngày khám nghiệm. Vì tôi vừa là giám định viên, vừa là Giám đốc nên phải nghiên cứu hồ sơ pháp lý, tài liệu vụ án, phân tích làm bản ảnh, vết thương thu thập tại hiện trường và biên bản khám nghiệm tử thi, kết quả cận lâm sàng mới thống nhất ra kết luận có chữ ký của 2 giám định viên và xác nhận của Giám đốc Trung tâm. Tôi cho rằng nội dung này Sở Y tế nói sai là không đúng”-ông Bích phân tích.

Đối với 562 trường hợp không có mặt nhưng vẫn nhận tiền bồi dưỡng giám định tử thi, ông Bích giải thích: Theo quy định của Luật Giám định tư pháp và hướng dẫn của Bộ Y tế về giám định tử thi là giám định theo vụ việc, giám định tập thể chứ không phải theo ngày công. Không có quy định nào về việc 2 giám định viên có mặt tại hiện trường phải ký vào biên bản khám nghiệm tử thi. Khi thực hiện khám nghiệm tử thi, đa số các trường hợp ông đều có mặt nhưng Cơ quan Cảnh sát Điều tra là đơn vị chủ trì không yêu cầu ông ký vào biên bản mà chỉ để cho 1 giám định viên đại diện ký. Sau đó, khi về họp, ông phải nghiên cứu các tài liệu khác, bản ảnh, trao đổi thống nhất kết quả giám định để ký vào bản kết luận giám định chung với tư cách vừa là giám định viên, vừa là thủ trưởng đơn vị. “Trung tâm không phải là đơn vị chủ trì, không phải chủ tài khoản để chi trả số tiền này nên không thể quy trách nhiệm cho tôi”-ông Bích cho biết.

Ngoài ra, với nội dung một số ca ông Bích nghỉ phép nhưng vẫn nhận tiền bồi dưỡng thì theo ông, việc giám định tử thi xảy ra đột xuất, bất ngờ và khẩn cấp theo yêu cầu của Cơ quan Điều tra. Để bảo đảm việc giải quyết vụ án, bắt buộc phải có 2 giám định viên, 2 phụ việc. Trong bối cảnh đặc thù thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là giám định viên chỉ có 2 người, trong đó, ông vừa là giám định viên, vừa Giám đốc nên trong thời gian nghỉ phép, ông về sớm hơn kế hoạch và tham gia vào công việc. Vì vậy, đoàn xác minh căn cứ theo lịch nghỉ phép và lịch công tác để đối chiếu là không đúng.

Đối với những trường hợp giám định ngoài tỉnh mà bản thân không tham gia, ông Bích cho biết: Những trường hợp ở ngoài tỉnh thường là đột xuất khi cơ quan trưng cầu thì ông điều hành đủ người theo quy định. “Tuy nhiên, cơ quan tôi không có xe, thường là đi nhờ xe của cơ quan trưng cầu nhưng bên trưng cầu đi rất nhiều người, không đủ chỗ để chúng tôi đi, do vậy thống nhất là cử 1 giám định viên đi. Trong quá trình thực hiện có khó khăn gì sẽ báo cáo cho tôi để chỉ đạo chuyên môn, tức là tôi có tham gia nhiều công đoạn theo quy trình. Việc tôi được hưởng tiền bồi dưỡng tất cả các ca giám định tử thi khi tôi ký và chịu trách nhiệm trong bản kết luận là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc hưởng tiền độc hại là theo quy định của pháp luật, hàng năm, khi quyết toán ngân sách thì Sở Tài chính, Sở Y tế cũng đồng ý quyết toán”-ông Bích trình bày.

 

 HẠ VY

Có thể bạn quan tâm