Du lịch

Hành trang lữ hành

Vực dậy du lịch miền Trung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch Covid-19 thứ 2, các địa phương trọng điểm du lịch miền Trung đang tìm giải pháp phục hồi không phải bằng chính sách giảm giá mà ưu tiên tính an toàn
Dự kiến năm 2020, ngành du lịch TP Đà Nẵng thiệt hại khoảng 26.000 tỉ đồng. Trong đó, các cơ sở lưu trú du lịch thiệt hại nặng nề nhất, khoảng 4.800 tỉ đồng.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, do dịch Covid-19, dự kiến cả năm 2020, TP Đà Nẵng chỉ đón được 2,7 triệu lượt khách du lịch, giảm 68,6% so cùng kỳ năm 2019 (khách quốc tế ước giảm 80,5%; khách nội địa giảm 60,6%). Tổng thu du lịch ước đạt hơn 10.000 tỉ đồng, giảm hơn 65% so với năm 2019.

Khách tham quan tại Khu Du lịch Bà Nà Hills (TP Đà Nẵng). Ảnh: BÍCH VÂN
Khách tham quan tại Khu Du lịch Bà Nà Hills (TP Đà Nẵng). Ảnh: BÍCH VÂN
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho hay hiện nay, các dịch vụ hầu hết đã mở cửa trở lại, chỉ còn các khu vui chơi, giải trí chưa hoạt động. Dù được phép mở cửa nhưng nhiều khách sạn vẫn cân nhắc trước khi hoạt động trở lại do không có khách.
Dù tỉnh Quảng Nam đã trải qua gần 1 tháng không ghi nhận ca Covid-19 mới nhưng các điểm tham quan vẫn trong tình trạng đìu hiu. Tại phố cổ Hội An, chỉ vào dịp cuối tuần mới có lác đác khách nên chính quyền TP chưa triển khai bán vé. Rừng dừa Cẩm Thanh, Cù lao Chàm đã mở cửa đón khách trở lại nhưng rất vắng vẻ. Tương tự, di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn chỉ có từ vài chục đến khoảng 100 người ghé tham quan mỗi ngày.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho biết hơn 90% doanh nghiệp (DN) du lịch ở tỉnh đã tạm dừng hoạt động. "Nhiều DN không dám đầu tư vì nguồn lực có hạn, nếu gặp bất trắc sẽ mất tất cả nên họ tạm dừng sẽ đỡ tốn kém hơn mở cửa lại vì không có khách" - ông Thanh chia sẻ.
Theo ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, tỉnh chưa có hướng kích cầu du lịch trong năm 2020. Quảng Nam đang lên kế hoạch kích cầu cho năm 2021, còn năm 2020 sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu ngành du lịch đạt chưa tới 200 tỉ đồng, giảm khoảng 2/3 so với năm 2019; tổng lượt khách giảm 55% so với cùng kỳ năm 2019. Các công ty lữ hành cũng sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, hàng loạt DN xin tạm dừng hoạt động.
"Người địa phương đi du lịch địa phương"
Trước mắt, ngành du lịch các tỉnh, thành miền Trung xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm phải giải quyết sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đó là giúp DN vượt qua khó khăn và phục hồi kinh doanh.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho hay đã gửi văn bản kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền để có chính sách hỗ trợ DN. Hiện Sở Du lịch TP đang đề xuất UBND TP sớm ban hành chương trình kích cầu du lịch đợt 2. Hiệp hội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nhanh chóng triển khai khi có kịch bản.
Khó khăn khi thực hiện kích cầu du lịch đợt 2 là thời điểm rơi vào mùa thấp điểm du lịch. Bên cạnh đó, điểm đến du lịch Đà Nẵng - Quảng Nam từng xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng nên du khách và các DN còn e ngại.
"Kịch bản lạc quan nhất là trong tháng 9 sẽ triển khai cho nhóm khách du lịch tại chỗ với phương châm "Người Quảng Nam - Đà Nẵng đi du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng". Chúng tôi sẽ khuyến khích người dân địa phương đi du lịch địa phương. Dự kiến đến cuối tháng 9, các hệ thống khách sạn, nhà hàng sẽ khai thác trở lại, nguồn khách là người Đà Nẵng và Quảng Nam. Đến tháng 10 sẽ mở rộng khách ra các địa bàn còn lại. Thông điệp lần này không phải là giảm giá nữa mà là nhắm đến du lịch an toàn - đặt an toàn chống dịch cho du khách lên trên hết và sẽ triển khai bộ tiêu chí an toàn" - ông Dũng nói.
Dự kiến, ngày 25-9, Hiệp hội Du lịch sẽ phối hợp với Sở Du lịch TP ký cam kết về bộ tiêu chí an toàn cho du khách.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, do tình hình dịch Covid-19 thay đổi liên tục và tùy vào DN, chương trình kích cầu hay các sản phẩm du lịch mới sẽ được xem xét thận trọng trước khi thực hiện. "Trước hết, chúng tôi sẽ tập trung truyền thông về những hoạt động bình thường của Đà Nẵng để du khách và mọi người yên tâm. Từ đây cho đến cuối năm, hy vọng lớn nhất là ngành du lịch có thể khôi phục và duy trì hoạt động bình thường" - bà Hạnh chia sẻ.
Đà Nẵng sẽ triển khai chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm 2021 để khôi phục hoạt động kinh doanh, tái lập các thị trường khách du lịch, tập trung thu hút khách nội địa. Bên cạnh đó, Sở Du lịch sẽ tham mưu UBND TP xem xét, đăng cai hoặc tổ chức một số lễ hội, sự kiện, hội nghị lớn trong năm 2021 để kết hợp, quảng bá xúc tiến du lịch.
Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Phương Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách kích cầu du lịch thời gian tới như: Tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch, tham gia các hội chợ du lịch, miễn phí cho DN tham gia hoạt động hội chợ, xúc tiến thị trường, đẩy mạnh quảng bá du lịch, giảm giá vé tham quan trên địa bàn tỉnh…
Tại Quảng Bình, ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, cho hay từ tháng 5 đến tháng 12-2020, ngành du lịch cùng các DN triển khai các chương trình kích cầu, khuyến mãi hấp dẫn. Du khách sẽ được giảm 50% giá vé khi đến tham quan động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường; Zipline sông Chày - hang Tối, suối Moọc... Ngoài ra, các tour du lịch mạo hiểm giảm giá từ 20%-30%; tour du lịch cho các đoàn khách giảm giá 15%-20%. Du khách sẽ được nhận ưu đãi giảm giá phòng và các dịch vụ từ 30% trở lại.
Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, phải tạm dừng đón khách thời gian khá dài nhưng ngành du lịch đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tổng số khách du lịch đến Quảng Bình 9 tháng đầu năm ước đạt hơn 905.200 lượt, tỉ lệ phục hồi ước đạt 40%-50% và dự kiến sẽ phục hồi đến 80% vào thời gian tới.
BÍCH VÂN - TRẦN THƯỜNG - TỬ TRỰC - HOÀNG PHÚC (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm