Canh tác bền vững, đa dạng hóa cây trồng
Đó chính là kinh nghiệm được chính người nông dân và chính quyền các địa phương rút ra từ bài học đắt giá với cây hồ tiêu. Nhưng không vì vậy mà loại cây “vàng đen” này bị quay lưng. Ngược lại, bà con nông dân được khuyến khích sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững để khôi phục vị thế loại cây này, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.
Theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, toàn huyện có 5.454 hộ trồng hồ tiêu với diện tích 3 ngàn ha, sản lượng trên 11 ngàn tấn/năm.
Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê tập trung hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững với hơn 1 ngàn ha; thành lập các tổ kỹ thuật trực tiếp tư vấn cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh ngay tại vườn cây.
Bên cạnh đó, huyện lựa chọn nguồn giống tốt, phù hợp, đã được kiểm định để khuyến khích người dân trồng nhằm tránh những rủi ro trong quá trình canh tác.
“Đặc biệt, huyện tập trung xây dựng thương hiệu, tiến hành dán tem, nhãn chỉ dẫn địa lý Hồ tiêu Chư Sê cho sản phẩm hàng hóa để nâng cao giá trị, bảo vệ và độc quyền thương hiệu trên toàn thế giới”-ông Hợp cho hay.
Hiện các địa phương tập trung hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững. Ảnh: M.N |
Từ khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng VietGAP, vườn cây của anh Nguyễn Thanh Bình (thôn 6, xã Ia Blang) luôn cho năng suất cao và ổn định.
Anh Bình phấn khởi cho hay: Dù được trồng xen trong vườn cà phê nhưng năng suất bình quân khá cao, đạt trên 5 kg tiêu khô/trụ.
“Sản xuất hồ tiêu theo cách này không thể đạt năng suất như trước nhưng bù lại vườn cây ít nhiễm bệnh, năng suất luôn giữ mức ổn định, trung bình đạt 3-4 tấn/ha, chăm sóc tốt có thể đạt từ 5 tấn trở lên/ha. Hiện tôi đang mở rộng liên kết với một công ty để trồng mới khoảng 500 trụ hồ tiêu trên diện tích cà phê tái canh của mình”-anh Bình chia sẻ.
Cùng với đó, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh tại huyện Chư Sê đã thúc đẩy việc hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với các hộ nông dân để từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, được mùa mất giá.
Đáng chú ý là mô hình liên kết sản xuất hồ tiêu sạch với Công ty TNHH Olam Việt Nam (trên 110 ha); sản xuất cà phê sạch với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Neumann Gruppe Việt Nam và Hợp tác xã Cà phê Tân Nông Nguyên (trên 1.995 ha)...
“Việc liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, hợp tác xã không những giúp người dân nâng cao kỹ thuật canh tác mà còn biết cách chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, đáp ứng các yêu cầu đầu ra cho sản phẩm”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê nói.
Cũng theo ông Hợp, ngoài việc xác định cây trồng chủ lực để chủ động thâm canh tăng năng suất, huyện Chư Sê cũng vận động người dân chuyển đổi giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đối với những vùng đất phù hợp thì trồng xen cây ăn quả có giá trị như sầu riêng, nhãn hay phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm.
Hiện nay, toàn huyện có gần 240 ha dâu, sản lượng đạt 451 tấn tơ tằm/năm. Trung bình 1 ha trồng dâu nguyên liệu và nuôi tằm, sau khi trừ hết chi phí, người dân thu về mỗi năm khoảng 300 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng hồ tiêu, cà phê.
Cũng rút kinh nghiệm từ “cú sốc” hồ tiêu, Huyện ủy Chư Pưh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, xây dựng đề án và kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND huyện Siu Y Bé cho biết: Ngoài 1.500 ha hồ tiêu, huyện tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trên 906 ha cây trồng. Cũng như Chư Sê, huyện khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm gắn với quy hoạch, hình thành các vùng chuyên canh.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Chư Pưh hiện có hơn 2 ngàn ha cây ăn quả. Trong số này có gần 600 ha sầu riêng, chủ yếu tập trung ở xã Ia Blứ, Ia Le và thị trấn Nhơn Hòa.
Ngành Nông nghiệp và PTNT đang định hướng người dân giữ vững diện tích sầu riêng hiện có, không nên mở rộng mà tập trung đầu tư nâng cao năng suất và chất lượng vườn cây; chú trọng sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… phù hợp với thị trường xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh đánh giá: “Nếu trước đây, người dân chủ yếu phát triển cây hồ tiêu thì nay đã đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để hướng tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững; đồng thời triển khai nhiều mô hình có sự liên kết của “4 nhà” mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hầu hết người dân rời quê trước đây đã dần trở về địa phương làm ăn sinh sống ổn định”.
Tạo động lực vươn lên
Từ sau thời điểm người dân đang làm việc tại các tỉnh phía Nam trở về quê tránh dịch Covid-19, để góp phần giải quyết việc làm, huyện Chư Pưh đã có nhiều nỗ lực trong việc mở các lớp đào tạo nghề. Những ngành nghề như: chăm sóc cây trồng, vật nuôi, thợ nề, sửa chữa máy nổ, lắp đặt và sửa chữa điện sinh hoạt thu hút khá nhiều học viên tham gia.
Ông Nguyễn Công Chung-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Năm 2023, huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai mở 8 lớp học nghề (3 lớp nghề nông nghiệp, 5 lớp nghề phi nông nghiệp) ở các xã với 198 học viên tham gia.
“Để công tác đào tạo nghề nông nghiệp đạt hiệu quả, huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn; nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trên cơ sở đó, huyện tiếp tục mở các lớp dạy nghề cho người dân sát với thực tế từng thôn, làng”-ông Chung cho hay.
Thời gian qua, chính quyền các địa phương và các sở, ngành của tỉnh đã có những chính sách, định hướng đào tạo nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: Đinh Yến |
Với anh Siu Tem (làng Kuăi, xã Ia Blứ), các lớp đào tạo nghề mang lại hiệu quả rất thiết thực. Anh chia sẻ: Nhà chỉ có gần 5 sào rẫy, trước trồng hồ tiêu, lúc giá xuống thấp thì anh chuyển sang trồng mít. Khi nghe tin xã mở lớp đào tạo nghề xây dựng, anh liền đăng ký tham gia do nhận thấy nhu cầu xây dựng tại địa phương khá cao, nếu có tay nghề phù hợp sẽ dễ tìm kiếm việc làm.
Học xong, anh Tem cùng nhóm thợ xây trong làng nhận thi công nhà ở hoặc nhà vệ sinh, làm sân, xây tường rào. Công việc ổn định giúp anh có thu nhập mỗi ngày 400 ngàn đồng, đủ để chi tiêu cho cuộc sống gia đình.
Thêm vào đó, với nỗ lực của huyện Chư Pưh trong kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa bàn nhằm góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, năm 2023, có 26 dự án được các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai khảo sát, đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trong đó, 3 dự án xin chấp thuận chủ trương đầu tư; 4 dự án đã có văn bản, hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư; 6 dự án nhà đầu tư đang khảo sát, đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư và 13 dự án bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022-2025.
Trong khi đó, 13 doanh nghiệp mới được thành lập trong 9 tháng năm 2023 (nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện lên 144) cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Hiện nay, 759 người lao động có việc làm thường xuyên trong các doanh nghiệp trên địa bàn.
Ông Nguyễn Huy Châu-Bí thư Huyện ủy Chư Pưh-khẳng định: Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gắn với liên kết sản xuất đã mang lại hiệu quả cao. Nhiều hộ từng là “con nợ của cây hồ tiêu” đã vươn lên phát triển bền vững.
“Sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân đã giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện những năm qua luôn ở mức khá, bình quân từ năm 2021 đến 2023 đạt ở mức 9,86%; các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch.
Mặt khác, huyện cũng sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển ngành nông nghiệp bền vững, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: năng lượng, chế biến sau thu hoạch, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mở ra cơ hội để người dân thoát nghèo bền vững”-Bí thư Huyện ủy Chư Pưh nêu kết quả.
Trong khi đó, một giải pháp khác được huyện Chư Sê quan tâm nhằm tạo động lực vươn lên cho người dân tại chỗ là đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm.
Ông Nguyễn Đình Lý-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Sê-thông tin: Cho vay giải quyết việc làm là một trong những chương trình có dư nợ hiện hữu tương đối với 23,3 tỷ đồng/680 hộ, chiếm 7% tổng dư nợ. Đây cũng là chương trình luôn “khát vốn” vì nhu cầu thực tế cao nhưng nguồn vốn phân bổ lại khiêm tốn. Tuy vậy, hàng năm, nguồn vốn cho vay này đã giải quyết việc làm cho 700 lao động trên địa bàn.
“Dù nguồn vốn còn hạn chế nhưng chúng tôi đặt mục tiêu cho vay tạo việc làm cho 1.000 lao động/năm; đồng thời tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đối với lao động trở về từ các tỉnh phía Nam”-ông Lý cho biết.
Bà Rmah H’Bé Nét-Chủ tịch UBND huyện Chư Sê-cho hay: Để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 8,89%, huyện tập trung triển khai các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội ổn định, bền vững. Đặc biệt, huyện triển khai và nhân rộng các mô hình khuyến nông, hỗ trợ phát triển sản xuất có hiệu quả cao.
Đồng thời, triển khai thực hiện các nội dung của đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh xây dựng, hình thành chuỗi liên kết sản xuất. Cùng với đó, huyện hỗ trợ, hướng dẫn người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là trên diện tích đất trồng hồ tiêu, lúa, mì, điều kém hiệu quả sang trồng rau, cây ăn quả, cây dược liệu...