TN - Đất & Người

Vui Tết cổ truyền Bunpimay - Lào trên cao nguyên Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 14/4, tại đảo Ây Nô (Trung tâm Du lịch cầu treo Buôn Đôn), UBND huyện Buôn Đôn phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đắk Lắk, tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay - Lào Phật lịch 2567 năm 2024.
Lễ tắm Phật tại Tết cổ truyền Bunpimay ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.
Lễ tắm Phật tại Tết cổ truyền Bunpimay ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, các thương nhân người Lào ngược dòng Sêrêpốk đến buôn bán giao thương, trao đổi hàng hoá với người Tây Nguyên ở huyện Buôn Đôn và chọn ở lại đây sinh cơ, lập nghiệp. Đến nay, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) có gần 300 hộ người Việt gốc Lào sinh sống.

Nghi thức thả đèn hoa đăng trên sông tại Tết cổ truyền Bunpimay ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Nghi thức thả đèn hoa đăng trên sông tại Tết cổ truyền Bunpimay ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Tết Bunpimay - Lào Phật lịch 2567 năm 2024 tại huyện Buôn Đôn được tổ chức với các nghi lễ truyền thống như: Lễ tắm Phật cầu bình an cho năm mới; buộc chỉ tay cầu sức khỏe và hạnh phúc; đắp tháp cát cầu phồn vinh, thịnh vượng; thả đèn hoa đăng trên sông; hội té nước cầu sức khỏe, sống lâu và thịnh vượng; biểu diễn âm nhạc truyền thống, múa Lăm Vông... tạo không khí vui tươi cho người dân và du khách. Điểm nhấn năm nay là lần đầu tiên diễn ra Lễ rước Nàng Chúa Xuân Nang Sangkhane - một nét văn hóa đặc sắc trong Tết Bunpimay.

Nghi Lễ sụt pha khẩn cầu khỏe mạnh, tâm tịnh, trí sáng tại Tết cổ truyền Bunpimay.

Nghi Lễ sụt pha khẩn cầu khỏe mạnh, tâm tịnh, trí sáng tại Tết cổ truyền Bunpimay.

Ông Y Si Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết, Bunpimay (Hội té nước) là Hội mừng năm mới, Tết cổ truyền của các bộ tộc Lào. Có thể nói, những năm qua, cộng đồng người Việt gốc Lào tại huyện Buôn Đôn luôn hướng về cội nguồn, lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo. Việc duy trì và tổ chức Tết Bunpimay hàng năm nhằm tăng cường tình đoàn kết của các dân tộc anh em, góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.

Nghi thức cột chỉ tay cầu sức khỏe và hạnh phúc tại Tết cổ truyền Bunpimay.
Nghi thức cột chỉ tay cầu sức khỏe và hạnh phúc tại Tết cổ truyền Bunpimay.

Huyện Buôn Đôn hiện có 23 dân tộc cùng sinh sống, dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Tết Bunpimay không chỉ là dịp để người dân tộc Lào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn là dịp để người dân và du khách tìm hiểu thêm về nét văn hóa độc đáo này trên vùng đất Tây Nguyên.

Chị Nang Khun Khăm, buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn chia sẻ, trong ngày Tết Bunpimay, gia đình chị còn gìn giữ nhiều phong tục truyền thống. Đây là một dịp đặc biệt, ý nghĩa để nhắc nhở chị và các thế hệ trẻ phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Múa Lamvong khai mạc Tết cổ truyền Bunpimay tại huyện Buôn Đôn.
Múa Lamvong khai mạc Tết cổ truyền Bunpimay tại huyện Buôn Đôn.

Ông Nguyễn Văn Chự, xã Ea Tih, huyện Ea Kar cho biết, ông và đồng đội đã từng chiến đấu, làm việc trên đất nước Lào. Do đó, mỗi dịp Tết Bunpimay, ông và đồng đội đều cố gắng sắp xếp về Buôn Đôn dự lễ.

Dịp này, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đắk Lắk trao 5 suất quà tặng các hộ người dân tộc Lào tiêu biểu, hội viên Hội hữu nghị Việt Nam - Lào có hoàn cảnh khó khăn tại xã Krông Na. UBND huyện Buôn Đôn trao 5 phần quà tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Krông Na; tặng giấy khen cho 1 tập thể, 4 cá nhân có thành tích xuất sắc góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào.

Có thể bạn quan tâm