Chính trị

Tin tức

Vững bước đi lên cùng đất nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai đã một lòng, một dạ đi theo Đảng và Bác Hồ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần giải phóng quê hương vào ngày 17-3-1975 và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975. Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, 47 năm qua, Gia Lai đã có những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội để vươn lên cùng đất nước.
 

 Gia Lai đang có sự đột phá trong phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo. Ảnh: Hùng Hoa Lư
Đô thị Pleiku ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Phan Nguyên


Sau ngày giải phóng, cùng với Nhân dân cả n­ước, đồng bào các dân tộc Gia Lai tiếp tục nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nỗ lực vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định tình hình, khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. D­ưới ánh sáng các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên và chính sách đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, giải quyết nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số… đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho Gia Lai phát triển đi lên. Từ một địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề, hơn 1/3 dân số bị đói phải cứu trợ, cơ sở vật chất, kỹ thuật hết sức yếu kém, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đến nay, Gia Lai đã trở thành một vùng đất sôi động, giàu tiềm năng, là vùng kinh tế động lực trong khu vực Tây Nguyên và Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Hai năm qua, mặc dù chịu tác động nhiều mặt của đại dịch Covid-19, song đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng Đảng bộ, chính quyền tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng-chống dịch gắn với phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm của tỉnh đạt 7,83%. Năm 2021, GRDP tăng 9,71%. Quy mô kinh tế, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên (năm 2011, thu nhập bình quân đầu người đạt 19,5 triệu đồng, năm 2015 đạt 35 triệu đồng, năm 2020 đạt 52,54 triệu đồng, năm 2021 đạt 56,31 triệu đồng). Thu ngân sách từ sau giải phóng đến năm 1991 chỉ đạt 40 tỷ đồng, năm 2001 đạt 256 tỷ đồng nhưng đến năm 2020 đã đạt 4.628 tỷ đồng, năm 2021 đạt 7.881,8 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2001-2005 đạt gần 13 ngàn tỷ đồng; giai đoạn 2006-2010 đạt trên 31,5 ngàn tỷ đồng; giai đoạn 2011-2015 đạt 60,7 ngàn tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 đạt hơn 114,4 ngàn tỷ đồng; riêng năm 2021 đạt 70 ngàn tỷ đồng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đến năm 2021, ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm 30,38%; công nghiệp-xây dựng chiếm 23,41%; dịch vụ chiếm 40,58%; thuế sản phẩm chiếm 5,63%. Trước đây, ngành nông nghiệp của tỉnh rất lạc hậu, mang tính tự túc, tự cấp. Nhưng đến nay, tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn và dài ngày, cây lương thực và thực phẩm, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, là vùng nguyên liệu để phát triển các nhà máy chế biến theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Ngành công nghiệp phát triển theo hướng tăng tỷ trọng chế biến, sản xuất theo chuỗi giá trị và khai thác thế mạnh về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo. Đến năm 2021, giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 24.801 tỷ đồng, gấp 1,63 lần so với năm 2015, tăng bình quân hàng năm 8,2%. Ngành dịch vụ tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,76%. Ngành Du lịch có sự chuyển biến tích cực. Tỉnh đã xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án phát triển với mục tiêu đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

 Đô thị Pleiku ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Phan Nguyên
Gia Lai đang có sự đột phá trong phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo. Ảnh: Hùng Hoa Lư


Song song với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng đạt được những thành tựu quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 19,71% năm 2015 còn khoảng 3,96% vào cuối năm 2021, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số có 12.945 hộ (giảm 4.233 hộ so với cuối năm 2020)… Sự nghiệp giáo dục-đào tạo chuyển biến cả về quy mô và chất lượng, hệ thống trường học phủ kín tới buôn làng, con em đồng bào dân tộc thiểu số được tạo mọi điều kiện thuận lợi để đến trường. 100% số xã và huyện, thị xã, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Công tác chăm sóc sức khỏe người dân được chú trọng, cơ sở vật chất của ngành Y tế được đầu tư, nâng cấp từ tuyến tỉnh tới cơ sở. Tỉnh đã triển khai có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia. Đến năm 2021, tỉnh đạt tỷ lệ 8 bác sĩ/vạn dân, 27,4 giường bệnh/vạn dân; 92% xã có bác sĩ; hơn 90% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 91,05%. Công tác bảo tàng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương được quan tâm, nhất là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các mục tiêu, giải pháp liên quan đến quản lý văn hóa, tăng cường đầu tư nguồn lực phát triển văn hóa, nhất là yếu tố con người được chú trọng thực hiện. Đến năm 2020, có 82% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa (tăng 7% so với nhiệm kỳ trước) và 82% thôn, làng, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa (tăng 12%); hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở có sự phát triển…

Có được những thành quả trên trước hết là nhờ đường lối sáng suốt của Đảng, truyền thống đoàn kết, thống nhất, đổi mới, năng động, sáng tạo, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, toàn quân và Nhân dân các dân tộc Gia Lai trong thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Đây là niềm tin, động lực để Gia Lai tiếp tục nỗ lực với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên.

 

NGUYỄN QUANG CƯỜNG

 

Có thể bạn quan tâm