(GLO)- Hiện nay, tỉnh Gia Lai nói chung và vùng Đông Nam tỉnh nói riêng đang bước vào những tháng cao điểm của mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Để ngăn chặn nguy cơ này, ngành chức năng các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng, nhằm đảm bảo an toàn cho hàng ngàn ha rừng ở khu vực này.
Ia Pa là một trong những địa phương có diện tích rừng khá lớn của vùng Đông Nam Gia Lai với khoảng 49 ngàn ha rừng tự nhiên và 30 ha rừng trồng. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được UBND huyện Ia Pa, ngành chức năng và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, nhất là công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trong mùa khô.
Để chủ động, sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND huyện đã ra quyết định củng cố, kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCCCR huyện. Đồng thời, chỉ đạo Ban Chỉ huy PCCCR huyện lập kế hoạch kiểm tra, đôn đốc công tác bảo vệ rừng và PCCCR năm 2018 đối với các xã, đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện nhằm nắm bắt tình hình các đơn vị chủ rừng trong thực hiện nhiệm vụ PCCCR thuộc lâm phần được giao quản lý bảo vệ.
Ảnh: Q.T |
Ông Nay Ú-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố, cho biết: Bên cạnh việc tiến hành kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR, Ban cũng đã xây dựng xong phương PCCCR, với mục tiêu phòng cháy là chủ đạo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Cụ thể, đơn vị đã phân công lực lượng tổ chức tuần tra và trực 24/24 tại trọng điểm dễ xảy ra cháy nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Hiện tổng diện tích đất có rừng tự nhiên của Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố là gần 22 ngàn ha, trong đó, gần 5,5 ngàn ha rừng phòng hộ và trên 15,3 ngàn ha rừng sản xuất. Tổng diện tích rừng dễ xảy ra cháy là gần 13,4 ngàn ha, chủ yếu là rừng khộp rụng lá vào mùa khô rất dễ xảy ra cháy. Các trọng điểm cháy có nguy cơ xảy ra cháy cao như xã Ia Kdăm với các tiểu khu 1181, 1186, 1190, 1192; xã Chư Mố với các tiểu khu 1199, 1203, 1206; xã Yang Nam (huyện Kông Chro) với tiểu khu 821, các tiểu khu này có diện tích rừng khộp lớn, vật liệu cháy nhiều nên rất dễ bắt lửa nếu bất cẩn.
Để đảm bảo không xảy ra rủi ro, Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn đã phối hợp với chính quyền các xã, các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn, tiến hành làm hành lang cản lửa, tổ chức đốt lớp thực bì có điều khiển.... Đồng thời, các ngành chức năng huyện đã và đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân trong quản lý bảo vệ rừng, nhất là hành vi đốt rừng làm nương rẫy.
Theo ông Trần Tất Đắc-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ia Pa cho biết, đến nay, Ban Chỉ huy PCCCR đã hoàn thành việc kiểm tra, đôn đốc toàn các đơn vị chủ rừng về công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Nhìn chung, các đơn vị đều thực hiện nghiêm công tác này. Với phương châm “4 tại chỗ”, Hạt, các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương đã có những phương án để phát hiện và xử lý kịp thời các đám cháy nếu xảy ra trong mùa khô năm nay.
Tập quán đốt nương, làm rẫy của người đồng bào dân tộc thiểu số tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Ảnh: Q.T |
Tương tự, với tổng diện tích rừng đang quản lý khoảng 22 ngàn ha, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam sông Ba cũng đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp PCCCR.
Ông Hoàng Thi Thơ-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam sông Ba, cho biết, trong công tác PCCCR, Ban xác định công tác phòng cháy là chủ đạo, phát hiện sớm và tổ chức chữa cháy kịp thời không để đám cháy lan rộng nhằm giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra. Do đó, Ban đã phân công cán bộ và các hộ dân nhận khoán thường xuyên tuần tra, trực 24/24 tại các trọng điểm cửa rừng, khu vực dễ xảy ra cháy; xây dựng quy chế phối hợp với các xã có rừng nhằm huy động lực lượng kịp thời hỗ trợ khi các bên có xảy ra cháy rừng.
Đồng thời, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi tập quán sinh hoạt và sản xuất của người đồng bào trong việc đốt nương, làm rẫy, săn bắn chim, thú… nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy từ những hoạt động này gây ra…
Tấn Huy