(GLO)- Sau khi mãn hạn tù, nhiều người không tránh khỏi mặc cảm, tự ti. Nhưng được sự động viên của chính quyền và bà con lối xóm, họ tự tin đứng lên xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
Nhìn những bằng khen treo trên tường, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết ông Đặng Thế Dũng (SN 1968, trú tại thôn Nhơn Tân, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) từng vướng vào vòng lao lý.
Rót ly trà mời khách, ông Dũng không ngần ngại kể về quá khứ của mình: Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Kỹ thuật cơ điện Quy Nhơn, ông về công tác tại Nông trường Chè Ayun. Dành dụm được ít vốn, ông trở về địa phương mua đất phát triển sản xuất. Cuộc sống gia đình ông ngày càng khấm khá. Năm 1996, trong một lần hát karaoke cùng bạn bè, vì “ma men” dẫn lối, ông đã đánh nhau với chủ quán. Sau cuộc ẩu đả này, ông Dũng bị tuyên phạt 30 tháng tù về tội cố ý gây thương tích.
Chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương, ông Dũng luôn mặc cảm về lỗi lầm và tránh né mọi người. Ông bộc bạch: “Trở về địa phương với hai bàn tay trắng cùng các khoản nợ, không có đất sản xuất nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Tôi phải đi làm thuê khắp nơi để nuôi con ăn học, nhiều lúc định bỏ đi nơi khác. Năm 2000, được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo Trại giam Gia Trung nên tôi được thuê 15 ha đất để trồng mì. Năm đó, mì được mùa, được giá. Nhờ đó, tôi tích góp dần và cuộc sống của gia đình ngày càng ổn định”.
Đến nay, ông Dũng sở hữu 1,5 ha cà phê, 2 ha keo, 5 sào hồ tiêu. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình ông tích lũy được 150 triệu đồng/năm. Nhờ đó, ông có điều kiện chăm lo 4 người con ăn học đến nơi đến chốn, có công việc ổn định.
Ông Dũng (thôn Nhơn Tân, xã Đak Ta Ley) vận động bà con xây dựng nếp sống văn minh ở khu dân cư. Ảnh: R’Ô Hok |
Nhờ làm kinh tế giỏi, năm 2002, ông Dũng được dân làng tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Thời điểm này, các đối tượng phản động FULRO dụ dỗ, lôi kéo một số người trong làng vượt biên ra nước ngoài. Với cương vị của mình, ông phối hợp với lực lượng Công an, già làng, người uy tín tuyên truyền, vận động bà con không nghe theo kẻ xấu xúi giục, đồng thời vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động. Nhờ sự tuyên truyền, vận động của ông, người dân yên tâm lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no tại chính quê hương mình. Năm 2012, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đak Ta Ley.
Ông Bưm (làng Chơ Rơng 2) chia sẻ: “Ngày trước, tôi có nhiều đất rẫy nhưng chủ yếu bỏ hoang hoặc trồng các loại cây tạp nên thu nhập không ổn định. Được ông Dũng vận động và tận tình hướng dẫn, tôi vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng cà phê, bời lời, mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất. Nhờ đó, kinh tế gia đình được cải thiện đáng kể”.
Anh Trần Văn Thân (làng Pơ Nang, xã Kon Thụp) chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: R’Ô Hok |
Cũng từng vướng vào lao lý, anh Trần Văn Thân (SN 1990, làng Pơ Nang, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) đã vượt qua mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống. Anh cho biết: Những năm 2010-2014, vì nghe theo đám bạn mà anh bỏ bê gia đình và nghiện ma túy. Sau đó, anh phải nhận mức án 5 năm 5 tháng tù. Tòa án nhân dân huyện Mang Yang xét xử lưu động công khai tại nhà sinh hoạt cộng đồng của làng. Trước sự chứng kiến của gia đình và bà con dân làng, anh rất hổ thẹn. Những ngày ở trong trại giam, nỗi ám ảnh về quá khứ càng khiến anh Thân thêm bế tắc, ân hận. Nhờ sự giúp đỡ, động viên của các cán bộ quản giáo và người thân nên anh có thêm nghị lực, quyết tâm cải tạo tốt để sớm trở về đoàn tụ với gia đình.
Sau khi ra tù trở về địa phương, được dân làng, gia đình động viên, khích lệ, anh Thân có thêm động lực để sống tốt hơn, làm người có ích cho xã hội. Anh chia sẻ: “Vừa rồi, vợ chồng tôi đi làm công nhân ở Bình Dương dành dụm được 40 triệu đồng. Số vốn này tôi đầu tư trồng 1 ha cà phê đang chuẩn bị thu bói. Hiện tại, tôi đang xây chuồng để mua heo giống về nuôi”.
R’Ô HOK