Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Vươn tầm cùng chuyển đổi số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xác định chuyển đổi số là giải pháp chiến lược nhằm tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh nên lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đối với công tác này. Năm 2021, theo danh sách do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) công bố, Gia Lai xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số.

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, ngày 20-1-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Chuyển đổi số tỉnh Gia Lai đến 2025, định hướng đến năm 2030”. Cùng thời điểm, Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh Gia Lai đến năm 2030” cũng được Tỉnh ủy ban hành, trong đó có đề cập đến yêu cầu đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông. Những chủ trương, chính sách trên tạo cơ sở vững chắc cho việc chuyển đổi số mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh ở các lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, UBND TP. Pleiku nhấn nút vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku. Ảnh: Quỳnh Trang
Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, UBND TP. Pleiku nhấn nút vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku. Ảnh: Quỳnh Trang


Chú trọng phát triển chính quyền số

Xem mục tiêu xây dựng chính quyền số là nền tảng thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực còn lại, tỉnh ta đã đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đắc lực công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Theo tổng hợp từ Sở TT-TT, trong 3 tháng đầu năm 2022, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện gửi, nhận hơn 400.345 lượt văn bản điện tử; khoảng 97% số văn bản được gửi hoàn toàn dưới dạng điện tử (sử dụng chữ ký số, chứng thư số và gửi trên môi trường điện tử). Đối với mô hình “Một cửa điện tử”, có 95.289 hồ sơ đã được tiếp nhận; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 98,96%. Hiện 100% UBND cấp huyện (có tích hợp trang thành phần các đơn vị cấp xã trực thuộc) và 100% đơn vị cấp sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh có cổng/trang thông tin điện tử cung cấp tương đối đầy đủ thông tin theo quy định. Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành có tích hợp chữ ký số được kết nối liên thông văn bản điện tử 4 cấp. Hệ thống Hội nghị truyền hình được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã (đạt tỷ lệ 98%); tỷ lệ sử dụng máy tính trong cán bộ, công chức, viên chức đạt trên 95%...

Kỹ thuật viên xử lý thông tin hình ảnh qua camera tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh. Ảnh: Đ.T
Kỹ thuật viên xử lý thông tin hình ảnh qua camera tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh. Ảnh: Đức Thụy


Ông Đặng Quang Khanh-Phó Giám đốc Sở TT-TT-cho biết: Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, Sở TT-TT đã phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 26-1-2022 của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Năm 2021, Sở cũng đã phối hợp với Công ty VNG (TP. Hồ Chí Minh) thiết lập cho 220 UBND cấp xã, 17 UBND cấp huyện các tài khoản Zalo Official Account (OA) giúp các địa phương có thêm phương thức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin, giao tiếp với chính quyền các cấp.

Tại các sở, ngành khác trong tỉnh, công tác chuyển đổi số cũng được đẩy mạnh và đạt những kết quả khả quan. Đơn cử, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã thực hiện xong nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu, cổng thông tin điện tử và ứng dụng du lịch thông minh, kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành du lịch. Thành phố Pleiku hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành thông minh, triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông, hệ thống giám sát an toàn thông tin, hệ thống quản lý chiếu sáng. Sở Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc đầu tư 20 phòng học thông minh cho các trường THPT...

Tiện ích từ kinh tế số, xã hội số

Những bước tạo đà nói trên của chính quyền số đã kéo theo sự phát triển của kinh tế số trên địa bàn tỉnh với nhiều chương trình thiết thực. Gần đây nhất, sáng 13-4, Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh đã tổ chức lễ ký kết kế hoạch phối hợp hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa năm 2022. Theo đó, hai bên thống nhất xây dựng kế hoạch hoạt động gồm cập nhật thông tin, hướng dẫn nông dân giới thiệu và bán sản phẩm nông sản trên 2 sàn giao dịch thương mại điện tử là Postmart.vn và Agri-postmart.vn (ưu tiên các sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, OCOP). Ông Phạm Nhuần-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-khẳng định: “Kế hoạch phối hợp này giúp quản lý thông tin hội viên nhanh chóng, tạo thuận lợi cho việc cập nhật, tra cứu dữ liệu, thúc đẩy việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử một cách bền vững”.

Đáng chú ý, cuối năm 2021, Viettel Gia Lai cũng ký kết hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh triển khai chương trình “Chuyển đổi số trên nền tảng vESS cho doanh nghiệp giai đoạn 2022-2026” với sự tham gia của 7 đơn vị tiên phong. Đây được xem là giải pháp toàn diện giúp quá trình quản lý, vận hành của doanh nghiệp trở nên đơn giản, hiện đại, nhanh chóng. Trao đổi với P.V, bà Huỳnh Thị Ngọc Lan-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần In-Đầu tư phát triển giáo dục Gia Lai-chia sẻ: Với nền tảng vESS, Công ty đã đồng bộ các khâu như ứng dụng chữ ký số, quản lý nhân sự. Đặc biệt, dịch vụ lưu trữ đám mây giúp Công ty không bị mất dữ liệu nếu các phần mềm gặp sự cố. Tuy nhiên, Công ty và đơn vị cung ứng dịch vụ vẫn cần ngồi lại để bàn thêm về việc triển khai giải pháp kế toán-tài chính nhằm đảm bảo vận hành thông suốt.

Công ty cổ phần In-Đầu tư phát triển giáo dục Gia Lai ký kết sử dụng nền tảng vESS vào hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy
Công ty cổ phần In-Đầu tư phát triển giáo dục Gia Lai ký kết sử dụng nền tảng vESS vào hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy


Mục tiêu phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số cũng được quan tâm, chú trọng. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang dần phủ sóng; dịch vụ mạng di động 4G/5G được phổ cập; nhiều người dân đã tiếp cận các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Chị Phạm Thị Thu Bình (68 Nguyễn Thiếp, TP. Pleiku) cho biết, từ nhiều năm nay, khi mua sắm tại các cửa hàng lớn, chị ít dùng tiền mặt mà thường cà thẻ qua máy POS, thanh toán QR Code hoặc chuyển khoản. Chị Bình nhận xét: “Đây là những hình thức thanh toán rất thuận tiện, nhanh chóng. Đặc biệt, trong các đợt dịch Covid-19, nhờ có tài khoản thanh toán điện tử nên tôi dễ dàng mua hàng hóa, thực phẩm qua mạng. Mẹ tôi năm nay 72 tuổi cũng sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện, nước online nên rất tiện”.

Kỳ vọng vào những bước tiến nhanh, hiệu quả

Theo đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, dù công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khả quan nhưng chưa đồng đều ở các lĩnh vực (chính quyền số xếp thứ 17/63; kinh tế số xếp thứ 33/63; xã hội số đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố) và vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn. Vì vậy, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Chuyển đổi số tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2025 có 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, bảo đảm 100% hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận thụ lý được cập nhật, quản lý và tổ chức thực hiện trên hệ thống “Một cửa điện tử” của tỉnh; cắt giảm tối thiểu 20% thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước so với hiện nay; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); triển khai hệ thống Hội nghị truyền hình đến 100% đơn vị cấp huyện, xã.

Tỉnh cũng hướng đến mục tiêu chuyển đổi số để giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội như: Mỗi người dân có danh tính số kèm theo QR Code, tiến tới có điện thoại thông minh, có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Các cơ sở đào tạo đều triển khai hoạt động quản lý dạy và học trên môi trường số, thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Đẩy mạnh các nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ nông dân truy cập, khai thác, phục vụ sản xuất. Số hóa các hoạt động quản lý và quảng bá về du lịch; hình thành các bản di sản số để khách du lịch có thể truy cập thuận lợi...

Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được nhiều khách hàng sử dụng khi mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đức Thụy
Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được nhiều khách hàng sử dụng khi mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đức Thụy
Ông Đặng Quang Khanh-Phó Giám đốc Sở TT-TT: “Với các chủ trương, chính sách nêu trên cùng sự quan tâm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân, chúng ta có quyền hy vọng vào những bước tiến nhanh và hiệu quả hơn trong việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, thực tế Gia Lai vẫn là một tỉnh còn khó khăn. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng đón nhận sự quan tâm, hợp tác bền vững với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung, chuyển đổi số nói riêng”.

Trong phát triển kinh tế số, mục tiêu đặt ra là ứng dụng rộng rãi các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán các loại phí, lệ phí và hoạt động kinh doanh, mua sắm trong cộng đồng. Kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP của tỉnh, góp phần tăng năng suất lao động hàng năm từ 5% đến 10%. Về phát triển xã hội số, đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%.

Cũng theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy, đến năm 2030, 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); giảm 30% thủ tục hành chính; tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp. 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Đóng góp của kinh tế số vào GRDP của tỉnh chiếm tỷ lệ tối thiểu 30%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 6-8%. Phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang và dịch vụ mạng di động 5G. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.


 

 PHƯƠNG DUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm