Kinh tế

Vươn xa những con đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến với huyện Kbang bây giờ nhiều người không khỏi bất ngờ và vui mừng vì kinh tế-xã hội địa phương phát triển nhanh chóng. Khó khăn còn nhiều nhưng sự đổi thay diễn ra từng ngày. Đặc biệt, hệ thống giao thông nối từ tỉnh đến huyện, từ trung tâm huyện đi các xã, từ các xã-thị trấn đến các thôn, làng đã phá vỡ thế chia cắt, kết nối thông thương, giúp nhân dân giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế một cách nhanh chóng, thuận lợi.

Chúng tôi dạo một vòng trên đường chiến lược Trường Sơn Đông đoạn đi qua thị trấn huyện. Chỉ có mấy cây số mà có đến 2 chiếc cầu đã hoàn thành trên đoạn đường này. Cây cầu phía ngoài thị trấn còn chưa thảm nhựa và lắp lan can, trong khi cây cầu phía bên trong thì công nhân đã thảm được một nửa, công nhân đang thổi bụi để tiếp tục một phần việc quan trọng. Công việc khá khẩn trương và tất bật. Có vẻ tình hình kinh tế khó khăn không tác động gì nhiều đến nhịp sống Kbang nói chung và với riêng công trình giao thông quan trọng.

 

Đường Trường Sơn Đông-đoạn qua huyện Kbang. Ảnh: Thất Sơn
Đường Trường Sơn Đông-đoạn qua huyện Kbang. Ảnh: Thất Sơn

Đường Trường Sơn Đông đi qua huyện Kbang dài 87 km, điểm đầu qua xã Hiếu (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) và điểm cuối là xã Tơ Tung (huyện Kbang). Nền đường được thảm nhựa, bê tông. Con đường là trục dọc xuyên suốt nối quốc lộ 24 đi Quảng Ngãi và về quốc lộ 19 rồi tiếp tục hướng về điểm kết thúc là Lâm Đồng. Trên chiều dài 87 km qua địa bàn huyện có 2 cầu bắc qua sông Ba, 1 cầu bắc qua suối Tờ Kân (khu vực thị trấn huyện) và 1 cầu bắt qua suối Ktung (xã Tơ Tung) đều được xây dựng kiên cố.

Hiện tại, hệ thống thoát nước, cầu cống, nền đường đều đã đảm bảo thông xe. Từ tỉnh về huyện bây giờ, không ai còn xuống đến thị xã An Khê rồi mới ngoặt trái vào Kbang, mà từ quốc lộ 19 đoạn từ Tượng đài chiến thắng Đak Pơ theo đường Trường Sơn Đông. Hành trình đến Kbang chúng tôi đi theo con đường này, khoảng cách rút ngắn đến vài chục km và hết sức vui mừng khi thấy chỉ còn chừng 10 km hoàn thiện nữa thì sẽ được đi lại dễ dàng. Có thể nói, chính quyền, người dân các xã phía Nam Kbang thừa hưởng rất nhiều lợi ích từ con đường này.

Anh Đào Xuân Sửu- Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư Xây dựng cơ bản huyện dẫn chúng tôi tham quan công trình đường nối từ thị trấn với dân cư hai bên bờ sông, vùng ven thị trấn, phục vụ phát triển đô thị phía Tây sông Ba, nối liền với các xã Lơ Ku, Krong. Đây là dự án thuộc nguồn vốn JCA Nhật Bản, dài 23 km, tổng vốn đầu tư 55 tỷ đồng, trong đó có một cây cầu bắc qua sông Ba (đoạn tại thị trấn) có tên là cầu Lê Văn Tám dài 144 mét, rộng 6 mét.

Con đường và cây cầu chấm dứt vĩnh viễn tình trạng chia cắt đôi bờ, chia cắt giữa trung tâm huyện với xã Lơ Ku, đặc biệt là xã kháng chiến Krong. Anh Sửu gật gù: “Chỉ khoảng 10 năm mà nơi này đổi thay nhiều quá”. Hướng sang tôi, anh tiếp: “Vốn là địa hình miền núi, Kbang bị chia cắt dữ dội giữa khu vực phía Bắc với phía Nam, Đông với Tây. Trước đây chỉ có 2 chiếc cầu treo vắt vẻo, nhỏ bé kết nối đôi bờ sông Ba, ô tô, xe máy qua lại vất vả trăm điều, còn bây giờ thì có đến 3 cây cầu bê tông cốt thép vững chãi, người và phương tiện tha hồ lại qua, hoàn toàn yên tâm vững dạ, bất kể mùa nắng hay mưa.

Khi chưa có con đường này, muốn đến thôn 5 xã Krong phải vòng vào Sơ Ró, Đak Sơ Mei dài đến 50 km, còn bây giờ thì rút ngắn chỉ còn 25 km. Các anh chị bên Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện cũng kể tôi nghe chuyện trước đây cán bộ, thầy-cô giáo về công tác ở Krong xem như bị “đày ải”, “kỷ luật” vì tắc đường, xa xôi, đi lại khó khăn, còn bây giờ nhiều người đăng ký xung phong vào đây công tác! Con đường quan trọng này rõ ràng nối thông trung tâm huyện với các địa phương xa xôi, vùng sâu, vùng xa phía Tây sông Ba, giúp nhân dân đi lại thuận tiện, nông sản không còn bị tư thương ép giá.

Cơ sở hạ tầng có ý nghĩa rất quan trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của bất cứ địa phương nào. Nó lại càng trở nên bức thiết đối với một huyện vốn rất khó khăn như Kbang. Bởi vậy, việc đầu tư cho lĩnh vực này trong điều kiện khó khăn, “thắt lưng buộc bụng” thể hiện sự quan tâm và cố gắng lớn của các cấp, các ngành.

Cùng với các cơ sở hạ tầng khác, mạng lưới giao thông ở Kbang đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xác lập các vùng sản xuất cây-con hàng hóa giá trị, khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của một huyện thuần nông.

Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ (xã điểm hoàn thành xây dựng nông thôn mới của huyện Kbang trong năm 2013) Trần Hữu Phước-cho biết: Xã đã đạt 10 tiêu chí. 9 tiêu chí còn lại thì 7 tiêu chí hoàn toàn khả thi. Dù vậy để thực hiện cho được tiêu chí về xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, cơ cấu lao động và một số tiêu chí khác còn chưa đạt chuẩn, xã phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều. Hy vọng Đak Hlơ sẽ xứng đáng với kỳ vọng và mong mỏi của huyện, tỉnh.

Bám theo những con đường mới mở là các công trình dân sinh, nhà ở, cửa hàng dịch vụ, sân bãi,... cũng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng. Chứng kiến hàng loạt ngôi nhà mới được xây dựng trên tuyến đường vào xã Krong mới thấy khủng hoảng kinh tế chẳng “thấm tháp” gì đến nhịp sống nơi đây, cũng hiểu thêm nội lực trong dân mình mạnh lắm! Sông Ba như hiền hòa hơn, rẫy mì, nương bắp, ruộng mía có vẻ cũng xanh hơn, tốt hơn, trái sai quả nặng. Sự mới mẻ, tốt đẹp hiện hữu dĩ nhiên sẽ kéo theo sự lớn lên và phong phú trong xúc cảm con người!

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm