Kinh tế

Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công tác giải phóng mặt bằng khu vực trung tâm Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đang gặp một số vướng mắc cần sớm được các ngành và chính quyền địa phương tháo gỡ.
Ông Trần Quang Thái-Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh-cho biết: Quy hoạch khu trung tâm Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được cho phép triển khai từ tháng 9-2017 với tổng diện tích đất phải chuyển đổi mục đích sử dụng là trên 63 ha. Toàn bộ diện tích này nằm ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp, thuộc địa bàn 2 xã: Ia Dom (50,5 ha) và Ia Nan (12,5 ha). Trong đó, 8,4 ha là rừng tự nhiên nên không thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, còn lại 54,6 ha được tỉnh giao cho UBND huyện Đức Cơ triển khai thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư.
Có nhiều hộ sẽ bị thu hồi hoàn toàn diện tích đất đang canh tác. Ảnh: Hà Duy
Có nhiều hộ sẽ bị thu hồi hoàn toàn diện tích đất đang canh tác. Ảnh: Hà Duy
Ngay sau khi được giao nhiệm vụ triển khai công tác giải phóng mặt bằng tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ đã thông báo thu hồi đất và hoàn thành việc kiểm kê diện tích đất cũng như tài sản trên đất của 51 hộ dân, cá nhân. Huyện cũng đã hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định. Đến cuối năm 2020, huyện đã thực hiện giải phóng mặt bằng xong 7,3 ha.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc. Qua kiểm tra, đa số các hộ dân, cá nhân đang sử dụng đất có nguồn gốc do chuyển nhượng và lấn chiếm đất thuộc quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 4-2-2008 của UBND tỉnh. Căn cứ các quy định của pháp luật thì các hộ này không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như không đủ điều kiện để được bồi thường hỗ trợ theo quy định. 
Ông Hoàng Xuân Cảnh (làng Bi, xã Ia Dom) có trên 6 ha đất trong diện thu hồi. Ông nói: “Gia đình tôi sống ở đây đã hơn chục năm rồi, cuộc sống hầu như đều dựa vào 6 ha điều. Bao nhiêu vốn liếng và tiền vay ngân hàng đều bỏ vào đó. Giờ bị thu hồi đất thì tôi trở về tay trắng. Tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ khi thu hồi đất để ổn định cuộc sống”.
Người dân thu hoạch mì trên diện tích đất sắp bị thu hồi. Ảnh: Hà Duy
Người dân thu hoạch mì trên diện tích đất sắp bị thu hồi. Ảnh: Hà Duy
Ông Nguyễn Văn Chính-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bi-cho biết: “Làng có trên 10 hộ bị thu hồi đất, trong đó có nhiều người bị thu hồi hoàn toàn. Người dân rất lo lắng vì nguồn sống của cả gia đình trông chờ vào việc canh tác trên diện tích này. Tôi mong các ngành và chính quyền địa phương sớm tháo gỡ vướng mắc để người dân được an tâm”.
Ông Lê Bá Nam-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Cơ-thông tin: “Huyện đã báo cáo, đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh xem xét có chính sách hỗ trợ đất và tài sản trên đất đối với các trường hợp không đủ điều kiện được bồi thường. Hiện nay, nhiều hộ đã trồng các loại cây lâu năm như: cao su, điều… Hơn nữa, nguồn thu nhập chính của người dân đến từ các loại cây trồng này”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quốc Khánh-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-cho biết: “Sở đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành liên quan, UBND huyện cùng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh để bàn bạc, đề xuất UBND tỉnh phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Hiện vấn đề này đang chờ chỉ đạo từ UBND tỉnh”.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm