Đến nay, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô và Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy (tỉnh Kon Tum) vẫn đang canh giữ hàng trăm cây gỗ là tang vật vụ án, cây chết khô trong rừng, chờ xin ý kiến cơ quan chức năng để xử lý. Việc canh giữ này diễn ra đã nhiều năm qua.
Hàng chục mét khối gỗ chờ mục
Bãi đất trống thuộc tiểu khu 278, lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô quản lý đang có hàng chục cây gỗ lớn nằm phơi gió sương.
Tại hiện trường, các cây gỗ này có đường kính cây nhỏ chừng 30-40 cm, cây lớn hơn 1 m, chiều dài hàng chục mét. Nhìn bề ngoài có thể thấy tất cả cây gỗ đang được tập kết tại đây đều có dấu hiệu mục ruỗng, bị mối mọt. Thậm chí có cây đã bị mục hoàn toàn, phần thân gỗ giá trị đã hóa thành đất mùn. Cũng tại bãi gỗ này, rất nhiều cây gỗ có dấu hiệu của việc bị đốt cháy.
Theo ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, số gỗ trên là gỗ tang vật vi phạm từ năm 2012 trở về trước và vụ án đã được tòa án xét xử. Sau đó, UBND tỉnh Kon Tum giao công ty thu gom số gỗ tang vật về xử lý. Vào năm 2017, công ty đã thu gom, đấu giá được hơn 100 m3.
Hàng chục mét khối gỗ đang nằm chờ mục ruỗng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô |
Năm 2018, công ty tiếp tục xin ý kiến để kéo số gỗ tang vật về, tránh thất thoát tài sản của nhà nước. Tuy nhiên, do số gỗ khai thác đã lâu, mục nên việc kéo về để truy xuất lóng gỗ rất khó khăn. Đến nay, còn khoảng 77 m3 gỗ đang nằm chờ, chậm trễ trong việc xử lý là do quy định. Ngoài ra, trong số gỗ trên còn có nhiều lóng gỗ đã được thanh lý nhưng người trúng đấu giá bỏ, không lấy về.
Do công ty là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, đóng trên địa bàn huyện Đăk Tô. Theo quy định, số tang vật này là tài sản của địa phương quản lý. Sau khi cơ quan công an điều tra và trả lại hồ sơ đã đề nghị UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý gỗ này. Tuy nhiên, đối chiếu theo quy định, 77 m3 vượt quá thẩm quyền của huyện. "Chúng tôi cũng đã nhiều lần xin ý kiến của các sở, ngành nhưng đều được trả lời cái này thuộc huyện, huyện phải xử lý. Sau khi nhận bàn giao từ cơ quan công an, chúng tôi chỉ có trách nhiệm bảo vệ, canh giữ" - ông Nguyễn Thành Chung nói và cho biết đến nay vẫn đang đề nghị các cơ quan chức năng xử lý để tránh thất thoát, hư hỏng gỗ nhưng do quy định của pháp luật vẫn còn vướng. So với thời điểm đưa về, số gỗ đã mất 30%-40% chất lượng.
Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Đặng Hoàng Nam, Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô, để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc nhưng không được. Ông A Hơn, Bí thư Huyện ủy Đăk Tô, cho biết sẽ yêu cầu UBND huyện báo cáo lại vụ việc rồi trả lời sau.
Dựng lán canh gỗ chết
Cũng tại tỉnh Kon Tum, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy đã kiểm đếm thực tế thì thấy có tổng cộng 161 cây gỗ trắc quý hiếm, thuộc nhóm IIA đã bị chết đứng, ngã đổ và bị xâm hại nằm rải rác trên diện tích 546 ha. Trong đó, 61 cây gỗ trắc đã bị chết đứng, ngã đổ và 100 gốc gỗ cây trắc cũ. Trong số này, cây trắc to lớn nhất thường được gọi tên là "cây 3 chạc", đường kính gốc chừng 70 cm, dài hàng chục mét đã chết khô, đổ ngã từ năm 2017. Theo ông Lê Ngọc Bảo, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy, thời kỳ giá tốt, chỉ mình cây gỗ trắc này đã có giá vài tỉ đồng nên luôn nằm trong sự nhòm ngó của lâm tặc. Để canh giữ gỗ, các cán bộ đã dựng lán trại để ăn ngủ tại chỗ.
Ông Lê Ngọc Bảo nói hiện nay lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị mỏng, các đơn vị luôn phải cử người biệt phái tăng cường làm công tác bảo vệ rừng cả ngày lẫn đêm. Do phải cử người canh giữ từng cây gỗ trắc đã ngã đổ, chết khô nên lực lượng bị phân tán. Đơn vị đã có văn bản xin chủ trương cắt dọn, thu gom toàn bộ số cây về kho quản lý, bảo quản để tập trung vào giữ các cây đang sống.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết theo quy định thì việc Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy xin chủ trương cắt gọn, thu gom, tận thu lâm sản trên lâm phần rừng đặc dụng là không có cơ sở pháp lý để thực hiện. Trả lời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum về hướng xử lý các cây trắc bị chết trong rừng đặc dụng Đăk Uy, Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu không được tác động, làm thay đổi cảnh quan, môi trường rừng đặc dụng.
Để bảo vệ 161 cây gỗ trắc này, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy đã thực hiện nhiều biện pháp như vây tôn, quấn dây kẽm gai, dùng vật phản quang và ngủ tại chỗ để canh giữ.