Kinh tế

Tài chính

Vướng xử lý nợ thuế với hợp tác xã không còn hoạt động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 47 hợp tác xã (HTX) không còn hoạt động nhưng vẫn chưa giải thể bởi một số vướng mắc, trong đó có vấn đề nợ thuế.

Giải thể dứt điểm các HTX không còn hoạt động trong giai đoạn 2021-2023 là chủ trương của Chính phủ. Trên cơ sở xét báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình HTX không hoạt động, khó khăn trong giải thể, chưa đăng ký và tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện việc đăng ký và tổ chức lại HTX theo quy định của Luật HTX năm 2012; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trước ngày 31-12-2023 giải thể dứt điểm đối với các HTX không còn hoạt động.

Gia Lai hiện có 388 HTX với tổng số thành viên là 18.163 người. Năm 2022, tổng doanh thu của các HTX đạt 126,9 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 2,8 tỷ đồng. Theo ghi nhận từ Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh có 318 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012, 47 HTX ngưng hoạt động và 23 HTX chưa chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012.

Xung quanh các vấn đề liên quan đến việc thực hiện thủ tục giải thể các HTX ngưng hoạt động, ông Nguyễn Mậu Phong-Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh-thông tin: “Hiện nay, các HTX ngưng hoạt động đang chờ giải thể nhưng do vướng nợ thuế nên việc giải thể vẫn chưa thực hiện được. Trên thực tế, khi làm thủ tục giải thể thì các HTX đã mất khả năng sản xuất kinh doanh và khả năng tài chính. Do đó, các HTX mong muốn cấp có thẩm quyền sớm có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện hỗ trợ để xử lý dứt điểm các vấn đề vướng mắc liên quan về nợ thuế”.

Còn ông Ksor Kut-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-cho biết: “Theo quy định, trước khi giải thể, HTX có nghĩa vụ phải thanh toán xong các khoản nợ thuế. Nếu HTX chấm dứt hoạt động thì thực hiện theo quy định của Luật Phá sản, việc xử lý nợ thuế thực hiện theo trình tự thanh toán của Luật Phá sản”.

Các HTX hoạt động tích cực góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho thành viên. Ảnh: Vũ Thảo

Các HTX hoạt động tích cực góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho thành viên. Ảnh: Vũ Thảo

Theo Điều 65 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 (được bổ sung tại khoản 20 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH11 của Quốc hội) về các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt và Điều 85 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13-6-2019 của Quốc hội về xử lý các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì từ thời điểm trước ngày 1-7-2020, các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp của HTX ngưng hoạt động, thuộc diện giải thể nhưng không còn tài sản để thanh lý, không còn khả năng trả nợ thuế và cơ quan quản lý thuế áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; đồng thời, các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi thì thuộc đối tượng được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt.

Theo Bộ Tài chính, từ ngày 1-7-2020, trường hợp HTX ngưng hoạt động, thuộc diện giải thể nhưng không còn tài sản để thanh lý, không còn khả năng trả nợ thuế và cơ quan quản lý thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế. Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi thì đều thuộc đối tượng được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Đồng thời, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật HTX năm 2012 và Điều 6 Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, HTX là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân. Thẩm quyền xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của HTX được quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 94 thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp dưới 5 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm