Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Vượt khó để "thực túc, binh cường"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng ngành Hậu cần Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai đã bám sát phương hướng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương và đơn vị, chủ động tham mưu, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. “Thực túc, binh cường”, việc bảo đảm hậu cần là tiền đề giúp lực lượng BĐBP tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nâng cao đời sống cho bộ đội         
Sống, công tác trên địa bàn biên giới có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, việc đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn hàng ngày để nâng cao chất lượng cuộc sống cho bộ đội là điều cần thiết. Nhưng chỉ vậy thì chưa đủ. Điều hết sức quan trọng ở đây là phải bảo đảm nơi ăn chốn ở, điều kiện công tác, cảnh quan môi trường giúp người lính biên phòng bám trụ vững vàng trên vùng đất khó.
Xác định rõ điều đó, những năm gần đây, công tác doanh trại trong BĐBP tỉnh được triển khai một cách chặt chẽ, bài bản. Theo đó, doanh trại các đơn vị như: Đồn Biên phòng Ia Pnôn (huyện Đức Cơ), Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông), Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động đã được đầu tư xây dựng bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng công trình, phục vụ tốt đời sống sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ cũng như năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Cùng với đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh còn triển khai thi công dự án xây dựng mới Sở chỉ huy và dự án đường giao thông từ trung tâm xã Ia Chía (huyện Ia Grai) vào Đồn Biên phòng Ia Chía có tổng chiều dài hàng chục cây số. Việc bảo đảm kịp thời, đầy đủ tiêu chuẩn điện, nước và dụng cụ sinh hoạt cho các đơn vị cũng được thường xuyên quan tâm chăm lo.
Đoàn cán bộ chỉ huy các đơn vị tham quan mô hình điểm tăng gia sản xuất tại Đồn Biên phòng Ia Lốp. Ảnh: T.K.N
Ở địa bàn biên giới có điều kiện khí hậu khắc nghiệt thì bài toán cải thiện môi trường sống cho bộ đội chưa bao giờ là vấn đề đơn giản. Có những đơn vị như Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động (đứng chân trên địa bàn tiếp giáp giữa 2 huyện Đức Cơ và Chư Prông) đã nhiều lần thăm dò, khoan khảo sát nhưng vẫn không tìm được nguồn nước ngầm phục vụ đời sống sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt ngành Hậu cần và chỉ huy đơn vị tận dụng mọi nguồn lực để xây bể chứa nước mưa, lắp đặt hệ thống máy bơm, ống dẫn, máy lọc nước nhằm đưa nguồn nước tự nhiên (sông, suối) về sử dụng; tiếp tục nghiên cứu thăm dò tìm ra mạch nước ngầm nhằm bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt cho bộ đội.
Công tác tăng gia sản xuất nhằm chủ động nguồn thực phẩm tại chỗ theo hướng an toàn, chất lượng, tiết kiệm cũng như tạo ra nguồn quỹ cho đơn vị là một trong những điểm nhấn của lực lượng BĐBP tỉnh trong thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”. Từ nhiều năm qua, việc tăng gia sản xuất được các đơn vị BĐBP trong tỉnh triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao. Mô hình vườn-ao-chuồng-rừng được các đơn vị duy trì và phát triển theo hướng tập trung, đa dạng, hiện đại, tận dụng tốt lợi thế quanh bếp, quanh vườn, quanh doanh trại, tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cao. Từ đôi bàn tay, công sức của người lính, rau xanh, thịt cá từ lâu đã trở thành “thương hiệu” không lẫn vào đâu được của các đồn biên phòng.
“Thương hiệu” đó càng được khẳng định và có sức lan tỏa hơn khi vào đầu năm 2018, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh quyết định chọn Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông) để xây dựng mô hình điểm trong công tác tăng gia sản xuất. Tại đây, một hệ thống vườn-ao-chuồng được quy hoạch, xây dựng bài bản, đáp ứng phương châm “nâng cao năng suất, giảm sức lao động” tạo ra nguồn thu nhập lớn cho đơn vị. Ngay sau khi mô hình phát huy hiệu quả, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức đoàn công tác gồm chỉ huy các phòng, ban, đơn vị cơ sở lên Đồn Biên phòng Ia Lốp tham quan học hỏi để về áp dụng tại đơn vị mình. Tùy vào điều kiện thực tế, mỗi đơn vị có thể phát triển những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhưng thông điệp là hết sức rõ ràng: “Nơi khó khăn nhất làm được thì nơi thuận lợi phải làm tốt hơn”, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của người chỉ huy trong công tác tăng gia sản xuất tại đơn vị mình. Hiệu ứng tích cực của mô hình ngay lập tức lan tỏa trên khắp tuyến biên giới của tỉnh và các đồn biên phòng trở thành những “ốc đảo xanh” tràn đầy sức sống trên vùng biên khắc nghiệt. Bên cạnh việc tự túc 100% rau xanh, 60% định lượng thịt cá, các đơn vị BĐBP tỉnh còn chăm sóc, khai thác 74,5 ha cao su tiểu điền, 18 ha điều, 10 ha cà phê, 20 ha cây lương thực ngắn ngày khác, duy trì thường xuyên mỗi đơn vị 25-50 con bò, 70-100 con heo, gần 300 con gia cầm các loại, vượt chỉ tiêu tăng gia sản xuất 150 triệu đồng/đơn vị/năm.
Chú trọng chăm lo sức khỏe quân dân
Công tác quân y cũng là một điểm sáng trong thực hiện nhiệm vụ của lực lượng BĐBP tỉnh. Đứng chân trên địa bàn khắc nghiệt, nơi từng được mệnh danh là “cái rốn” sốt rét của cả tuyến biên giới Tây Nguyên, song nhờ làm tốt công tác quân y, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn được chăm sóc, bảo vệ trong điều kiện tốt nhất. Các loại bệnh thường gặp về đường tiêu hóa, hô hấp, ngoài da, đặc biệt là sốt rét đã được ngăn chặn, đẩy lùi. Tỷ lệ quân số khỏe hàng năm luôn đạt từ 98,6% trở lên. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, tiêm phòng, xét nghiệm HIV/AIDS, khám sức khỏe định kỳ được thực hiện một cách thường xuyên, kết hợp làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch, vệ sinh doanh trại, vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, vệ sinh an toàn thực phẩm, phun thuốc diệt muỗi, khử trùng, duy trì vườn thuốc Nam đã góp phần chăm sóc sức khỏe cho bộ đội ngày càng tốt hơn.
Việc bảo đảm công tác quân y ở cơ sở còn góp phần kết nối, thắt chặt tình đoàn kết quân dân trên biên giới. Trong giai đoạn phát triển hiện nay, các cơ sở dịch vụ y tế ở địa phương đều đã được nâng tầm, song vai trò của “người thầy thuốc quân hàm xanh” vẫn vẹn nguyên trong tâm thức của đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới. Nơi đây, trên khắp nẻo đường, người chiến sĩ quân y Biên phòng vẫn miệt mài chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hiện nay, lực lượng BĐBP tỉnh đang duy trì 5 phòng khám Quân dân y kết hợp. Các phòng khám này cùng với hệ thống trạm y tế xã cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn. Riêng năm 2018, BĐBP tỉnh đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tư vấn sức khỏe cho hàng chục ngàn lượt người dân ở khu vực biên giới và nhân dân phía đối diện (huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) với tổng số tiền trên 550 triệu đồng.
Quân dân vui khỏe, tuyến biên giới được tạo thêm “chất thép” trong thế trận biên phòng toàn dân. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của công tác hậu cần trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
 THÁI KIM NGA

Có thể bạn quan tâm