Du lịch

Hành trang lữ hành

Vượt khó, phục hồi ngành du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 2 năm qua, đại dịch Covid-19 như cơn bão khủng khiếp làm suy kiệt nền kinh tế thế giới, nhất là ngành du lịch. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề là Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Đại Dương, Bắc Phi và Nam Á. Làm gì để phục hồi thị trường du lịch là vấn đề lớn đang được nhiều quốc gia quan tâm.

Du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Là ngành công nghiệp mũi nhọn của địa phương, trong những năm qua, Gia Lai đã đầu tư và đưa vào khai thác một số tuyến, điểm du lịch với nhiều loại hình hấp dẫn bao gồm du lịch lữ hành, sinh thái, du lịch về thăm chiến trường xưa, nghiên cứu văn hóa... Với tuyến hàng không nối TP. Pleiku với các tỉnh, thành trong cả nước; các quốc lộ, tỉnh lộ chạy ngang dọc trên toàn địa bàn và nhiều dạng địa hình phong phú như: đồng ruộng, nương rẫy, vườn rừng, rừng nguyên sinh, cao nguyên, đồi dốc... Gia Lai có đầy đủ tiềm năng để phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Ngành du lịch đã chú ý nâng cấp không chỉ hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, homestay đa dạng, phong phú, đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt và vui chơi, thư giãn mà còn quan tâm đến việc tôn tạo, nâng cấp nhà sàn, nhà rông ở các buôn làng, nơi dừng chân của các tour du lịch sinh thái, tìm hiểu văn hóa bản địa. Đồng thời, đầu tư mạnh loại hình du lịch đa dạng, tổng hợp trong cùng một tour như: kết hợp giữa nghiên cứu văn hóa dân gian và lịch sử, dân tộc; du lịch sinh thái, dã ngoại và mạo hiểm…

 Du khách chinh phục đỉnh núi Chư Nâm (huyện Chư Păh). Ảnh: Ngọc Thu
Du khách chinh phục đỉnh núi Chư Nâm, huyện Chư Păh (ảnh chụp năm 2019). Ảnh: Ngọc Thu


Bên cạnh đó, Gia Lai ký kết thỏa thuận hợp tác về du lịch với các tỉnh láng giềng là Bình Định, Phú Yên và Đak Lak để hướng tới tổng lượng khách du lịch mỗi tỉnh tăng 20%/năm. Nếu Bình Định, Phú Yên có thế mạnh là biển thì Gia Lai, Đak Lak là rừng, tổ chức tốt các tour đi từ biển lên rừng hoặc ngược lại không chỉ giới thiệu được với du khách những sản phẩm du lịch đặc sắc của các địa phương, khắc phục sự nhàm chán mà còn giữ chân du khách.

Tiềm năng, khát vọng là vậy song đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống mọi mặt của xã hội. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch tại Gia Lai ước đạt 228 ngàn lượt, bằng 64% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, khách quốc tế chỉ đạt 430 lượt, doanh thu 137 tỷ đồng. Các tỉnh láng giềng cũng chung một màu ảm đạm. Đak Lak doanh thu 7 tháng chỉ đạt 339 tỷ đồng, bằng 48% so với kế hoạch, đón 391 ngàn lượt khách, bằng 47% kế hoạch. Bình Định năm 2020 chỉ đạt hơn 2,2 triệu lượt khách du lịch, giảm 54%, tổng doanh thu ước đạt hơn 2.300 tỷ đồng, giảm đến 56% so năm 2019.

Quyết tâm thực hiện tốt “mục tiêu kép”

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), đại dịch Covid-19 gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 2,4 ngàn tỷ USD do sự sụp đổ của ngành du lịch. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề là Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Đại Dương, Bắc Phi và Nam Á. Ngành du lịch thật sự ngắc ngoải, đang nằm trên bờ vực phá sản. Nhiều khách sạn, nhà nghỉ, homestay trong nước cũng như Gia Lai thời gian qua đã hoán chuyển thành khu cách ly tập trung, chủ yếu là hỗ trợ ngành Y tế chứ không nhằm lợi nhuận… Người viết bài này có người thân là hướng dẫn viên du lịch quốc tế của Công ty du lịch Vietravel-Chi nhánh Nha Trang. Hơn một năm qua, anh ta hầu như không có việc làm, không có thu nhập, hoàn cảnh gia đình thật khó khăn. Đầu tháng 9 vừa qua, anh được hỗ trợ khoản tiền 3,7 triệu đồng và chưa biết tương lai sẽ ra sao.

Đưa ngành du lịch vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra là vấn đề đang được rất nhiều quốc gia quan tâm, bởi không chỉ quan hệ đến một ngành mà còn tác động lớn đến nền kinh tế của cả một đất nước trong suốt chặng đường dài. Thái Lan được xem như là cường quốc du lịch của thế giới. Vậy mà Tổng cục Du lịch Thái Lan dự đoán ngay trong kịch bản khả quan nhất nước này cũng chỉ đón được khoảng 1-2 triệu lượt khách nước ngoài trong năm nay. Chiến lược phát triển của Thái Lan là nhằm vào những du khách có mức chi tiêu lớn, tìm kiếm sự riêng tư trong thời gian lưu trú của họ. Đồng thời, tổ chức mạnh chuỗi quảng bá các điểm du lịch nổi tiếng, tiếp tục hạ giá một số dịch vụ thiết yếu trong du lịch, tất nhiên là chỉ áp dụng đối với những du khách đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19. Israel thì hướng đến việc thu hút khách du lịch đi theo nhóm từ 5 đến 30 người trong danh sách xanh, vàng, cam của nước này sẽ được phép nhập cảnh, tất nhiên với điều kiện tất cả thành viên trong nhóm đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, đồng thời phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính được thực hiện trong 72 giờ trước khi đến.

Anh Đinh A Ngưi bên homestay của mình. Ảnh: Ngọc Tấn
Anh Đinh A Ngưi (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) bên homestay của mình. Ảnh: Ngọc Tấn



Cuộc chiến chống dịch Covid-19 khả năng còn diễn ra lâu dài, chúng ta đành chấp nhận giải pháp “thuận theo tự nhiên” nghĩa là chấp nhận “sống chung với dịch” nhằm đạt được sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững. Như vậy, muốn đưa ngành du lịch Việt nói chung, du lịch Gia Lai nói riêng hoạt động trở lại trong đại dịch, yếu tố đầu tiên là du khách đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 đã đủ thời gian tạo kháng thể, chứng minh bằng “thẻ xanh”, không phải cách ly ở nơi đến. Tất nhiên đội ngũ những người hoạt động trong ngành du lịch cũng phải được tiêm phòng, bảo đảm giãn cách trong suốt quá trình giao tiếp, phục vụ du khách. Song song với việc thu hút khách quốc tế, chúng ta cũng đặc biệt quan tâm đến khách nội địa vì đây là nguồn cung dồi dào cho thị trường. Trong thời gian này, chính quyền và ngành du lịch địa phương nên có kế hoạch tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng, tu bổ các di tích, thắng cảnh, các điểm du lịch để có thể vận hành ngay khi toàn ngành phục hồi hoạt động, ưu tiên khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất đối với các doanh nghiệp hoạt động du lịch. Trong tình hình dịch vẫn còn phức tạp, cần hạn chế việc tụ tập đông người trong các lễ hội truyền thống mà chú ý đến các tour du lịch trải nghiệm, du lịch canh nông để đảm bảo giãn cách an toàn cho du khách và người làm du lịch. Có như vậy thì mới thực hiện được “mục tiêu kép” vừa phòng-chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Tin rằng với sự quan tâm của chính quyền các cấp cùng với ý thức của cả cộng đồng, chúng ta sẽ mở cửa nền kinh tế vận hành ngành “công nghiệp không khói” trong thời gian sớm nhất có thể!

 

  THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm