Thời sự - Bình luận

Vượt qua cám dỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sẽ có gần 2 tháng để tòa án xét xử đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. “Bà trùm” Trương Mỹ Lan- Chủ tịch Vạn Thịnh Phát bị đề nghị truy tố các tội danh “Đưa hối lộ” và “Vi phạm hoạt động của ngân hàng”, đặc biệt là tội “Tham ô tài sản”.

Trong vụ án này, nhiều người thường liên tưởng đến các nhân vật có chức vụ, quyền hạn làm việc tại các cơ quan Nhà nước đã lợi dụng chính chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức mà mình quản lý.

Có thể nói, từ khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, cơ quan điều tra đã khởi tố, điều tra tội “tham ô” với một đối tượng là chủ doanh nghiệp ngoài Nhà nước có quy mô rất lớn mà cụ thể ở đây là bà Trương Mỹ Lan, một nhân vật điển hình về tham nhũng xảy ra trong khu vực tư nhân. Từng có ý kiến khi xử lý tội phạm tham ô tài sản trong khu vực tư, rằng đó là tiền của doanh nghiệp và người chủ muốn làm gì thì làm, không trốn thuế là được?! Tuy nhiên, suy nghĩ đó là không phù hợp. Việc xử lý tội tham ô trong khu vực tư là bình thường, đúng pháp luật, không có cá biệt… Điều này cho thấy, không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới từ lâu đều không có ngoại lệ đối với tội tham ô tài sản ở khu vực tư.

Câu chuyện của Vạn Thịnh Phát nhìn rộng ra cũng là câu chuyện chung của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân ở nước ta, nếu không tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp, đại gia “đồng sở hữu” đứng sau thao túng, chi phối các tổ chức tín dụng, dễ có thể sẽ đi theo vết xe đổ của bà Trương Mỹ Lan.

Vụ án Vạn Thịnh Phát là điển hình của hoạt động làm ăn phi pháp trong khu vực tư được đưa ra ánh sáng nhưng tôi nghĩ đây là câu chuyện bất đắc dĩ. Bởi lâu nay Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng sự đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời có nhiều chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để họ làm giàu chính đáng.

Có thể nói, xử lý Vạn Thịnh Phát là để răn đe, tạo môi trường làm ăn công khai, minh bạch, công bằng và lành mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc đưa bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm ra xét xử dự kiến vào ngày 5/3 tới, chắc chắn là lời cảnh tỉnh, răn đe và là tấm gương cho những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn trong lĩnh vực tài chính, tín dụng.

Không chỉ vậy, nhìn xa hơn, thông qua vụ án cũng là lời cảnh tỉnh đối với những người làm công tác thanh tra, kiểm tra trong vụ án này. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhắc nhở người làm công tác kiểm tra, thanh tra phải đấu tranh với chính mình để thắng được cám dỗ. Tuy nhiên, nhiều thành viên trong đoàn thanh tra đã bị đồng tiền làm mờ mắt, không vượt qua được cám dỗ và rồi nhận gần 6 triệu USD từ bà Trương Mỹ Lan.

Chúng ta đã chứng kiến những phút giây hối lỗi của cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, cựu chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh hay cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long… trước vành móng ngựa. Và tôi nghĩ, không ai mong thấy những giọt nước mắt, những lời ăn năn vì không vượt qua được sự cám dỗ của đồng tiền để rồi phải vướng vào lao lý.

Có thể bạn quan tâm