Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Washington đẩy mạnh răn đe Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đó là nhận định của các chuyên gia quốc tế khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên quanh việc Mỹ vừa bổ sung tàu chiến đến Biển Đông tập trận sau khi Trung Quốc đã tăng cường chiến hạm đến vùng biển này.
 

Tàu đổ bộ USS America dẫn đầu nhóm tàu chiến Mỹ - Úc trong cuộc tập trận trên Biển Đông - Ảnh: Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ




Động thái tăng cường bành trướng

Sau khi Mỹ xác nhận điều động tàu đổ bộ USS America và tàu tuần dương USS Bunker Hill hoạt động gần khu vực tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc và tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella do Công ty dầu khí Petronas (Malaysia) vận hành, thì Trung Quốc cũng đã điều động tàu khu trục Vũ Hán đến vùng biển này, theo tờ The New York Times.

 



Trung Quốc hạ thủy tàu đổ bộ Type 075 thứ hai

Chiếc Type 075 thứ hai (trái) bên cạnh chiếc Type 075 đầu tiên - Ảnh: chụp màn hình Forbes


Hoàn Cầu Thời báo hôm qua đưa tin Trung Quốc đã hạ thủy tàu đổ bộ lớp Type 075 thứ hai tại xưởng đóng tàu ở TP.Thượng Hải. Trước đó, nhiều bức ảnh trên mạng xã hội cho thấy tàu đã rời khỏi ụ khô và được một số tàu nhỏ lai dắt ra bên ngoài, kế đó là chiếc Type 075 thứ nhất đang neo đậu. Việc hạ thủy được cho là nhằm kỷ niệm 71 năm ngày thành lập hải quân Trung Quốc (23.4.1949). Có độ choán nước toàn tải xấp xỉ 40.000 tấn, Type-075 dài khoảng 237 m và có thể mang theo 30 trực thăng chiến đấu đa nhiệm gồm Z-8 và Z-9 đều có khả năng tấn công tàu chiến và cả đất liền.

Tháng trước, tờ Hoàn Cầu thời báo thông tin rằng khi kết hợp với tàu Type-071, Type-075 sẽ hình thành nên nhóm tấn công đổ bộ cho các hoạt động “bảo vệ sự thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”. Thông điệp này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh có thể triển khai tàu Type-075 kết hợp cùng Type-071 cho các mục tiêu trên Biển Đông. Bởi theo luật an ninh quốc gia của Trung Quốc ban hành năm 2015, Biển Đông được đưa vào nhóm “lợi ích cốt lõi” của nước này. 

 

 Bảo Vinh




Gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh hiện diện quân sự trên Biển Đông. Trước khi điều thêm tàu khu trục Vũ Hán, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 13.4 dẫn lời phát ngôn viên của hải quân Trung Quốc cho hay nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của nước này đã lần lượt vượt qua eo biển Miyako, eo Ba Sĩ và tiến vào Biển Đông để tổ chức tập trận.

Giữa bối cảnh Trung Quốc có nhiều động thái đáng lo, Bộ Quốc phòng Úc hôm qua (22.4) thông báo tàu hộ tống của nước này HMAS Parramatta vừa tập trận trên Biển Đông cùng với 3 chiến hạm Mỹ là USS America, tàu tuần dương USS Bunker Hill và tàu khu trục USS Barry.

Trả lời Thanh Niên ngày 22.4, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) nhận định: “Mỹ và Úc tổ chức tập trận nhằm đẩy lùi các tuyên bố mang tính bành trướng của Bắc Kinh”.

Washington vẫn thừa sức mạnh răn đe

TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho biết vừa qua cả Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Quốc phòng Mỹ đều lên tiếng phản đối Trung Quốc về việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để gây rối, tìm cách củng cố chủ quyền phi pháp trên biển.

Giờ đây, Washington tăng cường tàu chiến đến Biển Đông là một động thái để chứng minh tình hình dịch bệnh không hề khiến hải quân Mỹ mất khả năng răn đe. Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hiện không thể ra khơi, nhưng vẫn có thể triển khai tàu đổ bộ tấn công USS America. Dù là tàu đổ bộ, nhưng với độ choán nước lớn, sàn tàu dài và rộng thì USS America, đang triển khai cùng chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35B có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, có thể hoạt động như tàu sân bay. Đây là thông điệp cho thấy Mỹ có nhiều chọn lựa để tăng cường hiện diện.

Không những vậy, theo TS Nagao, cuộc tập trận chung của 4 tàu chiến Mỹ và Úc mang ý nghĩa nhắc nhở Trung Quốc đừng lợi dụng tình hình bệnh dịch để gây rối. Tương tự, PGS Nagy cho rằng: “Thông qua cuộc tập trận, cả Washington lẫn Canberra muốn Bắc Kinh hiểu rằng hải quân các nước vẫn thừa sức ứng phó trước những chiêu trò “thừa nước đục thả câu” của Trung Quốc. Thậm chí, Nhật Bản và Ấn Độ cũng sẽ sớm có động thái hỗ trợ cho thông điệp của Mỹ và Úc”.

Theo Ngô Minh Trí (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm