Sức khỏe

Tin tức

WHO cảnh báo việc chủ động lây nhiễm virus corona để tăng tốc nghiên cứu vắcxin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết việc chủ động lây nhiễm virus corona cho các tình nguyện viên khỏe mạnh có thể tăng tốc nghiên cứu vắcxin, song tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe, thậm chí gây tử vong.
 
Phương pháp chủ động lây nhiễm virus cho người có thể giúp tăng tốc nghiên cứu vắcxin - Ảnh: Bloomberg
Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang chạy đua phát triển vắcxin để chống lại virus corona. Trong đó có phương pháp nghiên cứu chủ động lây nhiễm trên người, tức là cách điều trị và phòng ngừa được thử nghiệm trực tiếp trên tình nguyện viên đã được lây nhiễm virus.
Nghiên cứu dạng này được cho là có thể tiến hành nhanh hơn đáng kể so với thử nghiệm vắcxin thông thường, một phần do có ít người tiếp xúc với vắcxin thử nghiệm hơn, nên thu được đánh giá về hiệu quả và tính an toàn của vắcxin sẽ nhanh hơn.
Theo Bloomberg, báo cáo của WHO đưa ra 8 điều kiện cần được đáp ứng để nghiên cứu dạng này được xem xét, bao gồm bằng chứng khoa học, đánh giá lợi ích và sự đồng ý của tình nguyện viên.
Các nghiên cứu như vậy tiềm ẩn nguy hiểm cho đối tượng nghiên cứu, thậm chí có nguy cơ tử vong.
Thử nghiệm vắcxin thường tiến hành trên các nhóm lớn và kết quả được so sánh với một nhóm người chưa được tiêm chủng. Chờ đợi kết quả từ hai nhóm này có thể mất nhiều tháng, trong khi nghiên cứu trên tình nguyện viên có thể đảm bảo họ tiếp xúc với virus ngay lập tức.
Các tình nguyện viên phải là người khỏe mạnh, ít có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và sẽ được chăm sóc, theo dõi.
Nhưng Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ, nơi đang phát triển vắcxin COVID-19, lại không thích thú gì với nghiên cứu này.
"Tôi không chắc tôi thích nó vì lý do hiệu quả và đạo đức" - Tal Zaks, giám đốc y tế của Moderna, cho biết.
Zaks cho biết ông không chắc chắn loại nghiên cứu này sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển vắcxin của công ty ông, vốn đã đi được 2/3 chặng đường.
Nghiên cứu chủ động lây nhiễm virus trên người cũng vấp phải nhiều phản đối từ các nhà khoa học, chủ yếu vì không thể lường trước các nguy cơ và yếu tố đạo đức.
Các tổ chức ở Mỹ đã phát động chiến dịch "1daysooner" (Sớm hơn 1 ngày) để kêu gọi tình nguyện viên tham gia. Chiến dịch này tìm kiếm những người trẻ tuổi, khỏe mạnh để tiêm vắcxin, sau đó chủ động nhiễm virus để xem xét hiệu quả của vắcxin.
Đã có gần 14.000 tình nguyện viên từ 102 quốc gia đăng ký đến nay.
MINH KHÔI (TTO)

Có thể bạn quan tâm