(GLO)- Là xã có đến 98% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 75% và thu nhập bình quân chỉ đạt 14 triệu đồng/người/năm, Đak Trôi (huyện Mang Yang, Gia Lai) vẫn còn đó nhiều trăn trở trên hành trình giảm nghèo.
Tỉnh lộ 666 đoạn giáp ranh xã Kon Thụp và Đak Trôi còn nhiều đoạn đường đất, đi lại rất khó khăn. Ảnh: Hải Lê |
1. Vượt chặng đường gần 40 km từ ngã ba Năm Đạt-điểm đầu của tuyến tỉnh lộ 666 giao với quốc lộ 19 (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) qua địa bàn các xã: Đak Djrăng, Lơ Pang, Kon Thụp, Đê Ar, chúng tôi đến xã Đak Trôi. Mặc dù là mạch máu giao thông nối trung tâm huyện Mang Yang với 5 xã phía Nam nhưng sau 15 năm khai thác, con đường đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn đường đầy ổ gà, ổ voi và sống trâu khiến việc đi lại hết sức khó khăn. “Con đường bị xuống cấp đã 5-6 năm trở lại đây. Chúng tôi mong đường sớm được nâng cấp cho người dân bớt khổ chứ đi lại khó khăn, nông sản bị ép giá chỉ bằng 2/3 so với khu vực lân cận. Người dân Đak Trôi đã nghèo lại càng thiệt thòi”-ông Thuk (làng A Rim, xã Đak Trôi) than thở.
Xã Đak Trôi có 618 hộ với 2.873 nhân khẩu sinh sống tại 8 thôn, làng. Tổng diện tích gieo trồng của xã là 760 ha, trong đó chủ yếu là lúa rẫy, mì, bắp... “Kỹ thuật canh tác của bà con còn lạc hậu nên hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao. Khó khăn lớn nhất là xã chưa được đầu tư công trình thủy lợi nên khó phát triển sản xuất. Việc sản xuất chỉ dựa vào nước trời nên mùa vụ cũng chỉ nhờ... ông trời”-ông Phan Văn Kỳ-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Trôi-cho hay.
Cách trụ sở UBND xã chỉ vài trăm mét, làng Đak Hre có 87 hộ, trong đó hầu hết là người Bahnar. Anh Duân-Trưởng thôn Đak Hre-nói: “Làng Đak Hre nằm ở khu vực đồi đất xấu nên việc sản xuất nông nghiệp rất khó khăn. Hiện nay, làng còn 48 hộ nghèo và cận nghèo”. Từ trước đến nay, làng Đak Hre ít có người học hành thành đạt, hiện chỉ có 1 em đang theo học Đại học Quy Nhơn, 2 em đang theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai và 1 trường hợp đã tốt nghiệp THPT rồi ở nhà “bắt chồng”. “Trong làng có những cặp vợ chồng cưới nhau khi mới 15-16 tuổi, dù xã, thôn đến tuyên truyền, vận động và thậm chí bị xử phạt”-anh Duân chia sẻ thêm.
2. Hiện nay, xã Đak Trôi đã có 2 trường học: Trường Mầm non Đak Trôi và Trường Tiểu học và THCS Đak Trôi với tổng cộng 27 lớp. Các cơ sở trường học được đầu tư xây dựng mới khang trang, sạch đẹp nhằm khuyến khích con em đến trường. Khi học lên THPT, học sinh sẽ theo học tại Trường THPT Kpă Klơng (xã Kon Thụp) hoặc được đăng ký theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai. Vậy nhưng, ở xã này vẫn hiếm những cô cậu học trò vượt “lũy tre làng”. Phó Chủ tịch UBND xã Đak Trôi Phan Văn Kỳ ngậm ngùi: “Nhiều cháu học xong THCS thì nghỉ vì gia đình không có điều kiện lo cho con em học lên, gia đình cần người lao động hay đơn giản chỉ nghỉ học để “bắt vợ, bắt chồng”. Nhiều gia đình vì nuông chiều con đã bán đất mua những chiếc xe máy trị giá vài chục triệu đồng để chạy cho oai mà ít nghĩ đến việc đầu tư cho tương lai”.
Ông Kỳ cho biết thêm: Năm 2002, ông là một trong những trí thức trẻ tình nguyện xung phong về công tác tại Đak Trôi, rồi sau đó trúng tuyển công chức cấp xã. Khi ấy, cả xã Đak Trôi chỉ có 2 chiếc xe máy và 4-5 căn nhà xây. “Hơn 16 năm gắn bó, tôi nhận thấy Đak Trôi đã thay da đổi thịt, nhà cửa ngày một khang trang hơn, cái đói đã bớt đi nhiều. Vậy nhưng, so với các địa phương khác, Đak Trôi vẫn còn nghèo và xếp vào diện đặc biệt khó khăn”-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Trôi tâm sự.
Những người phụ nữ Đak Trôi trên đường gùi củi về nhà. Ảnh: Hải Lê |
3. Trong khi người dân các xã xung quanh đã và đang đổi đời với cây cà phê, cao su, hồ tiêu… thì Đak Trôi chỉ có vài chục héc ta cà phê, cao su… nhưng chủ yếu là của người Kinh từ nơi khác đến đầu tư. Đường sá xa xôi, năng suất cây trồng thấp, nông sản bị ép giá và sản phẩm nông nghiệp chưa có giá trị cao khiến thu nhập của người dân mới chỉ bằng 1/3 so với bình quân chung của tỉnh (14/42,5 triệu đồng/người/năm). “Sự thay đổi của Đak Trôi hôm nay chủ yếu nhờ nguồn lực từ bên ngoài. Đó là nhờ sự quan tâm đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, trụ sở, trường học, nhà văn hóa… Còn lại, yếu tố nội lực chưa phát huy được bao nhiêu”-ông Kỳ thẳng thắn nhìn nhận.
Gần đây, Công ty TNHH Ba Chăm triển khai nghiên cứu, phục tráng giống lúa Ba Chăm để xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Đak Trôi. Điều này được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho người dân Đak Trôi thay đổi cuộc sống. “Gạo Đak Trôi hiện đang bán trên thị trường với mức giá 15.000 đồng/kg. Khi qua phơi sấy, xử lý và chọn lọc sẽ cho giá trị cao gấp đôi so với gạo sản xuất truyền thống. Đây là cơ hội để nâng tầm giá trị hạt gạo Đak Trôi, đồng thời mang lại nguồn thu nhập tốt hơn cho người trồng lúa”-ông Phạm Ngọc Cơ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang-nhìn nhận.
Hải Lê