(GLO)- Dù trời nắng hay mưa, con đường mới trải nhựa chạy sâu hun hút vào trong làng Bui, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah nối người dân từ trong làng xa xôi, cách trở đến với chợ ngoài quốc lộ 14 vẫn tấp nập người qua lại. Từ một xã nghèo, giờ đây Nghĩa Hưng đã khoác lên mình chiếc áo mới sau gần năm năm thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Ảnh: Ngọc Thu |
Là một xã điểm để xây dựng nông thôn mới, sau 5 năm, Nghĩa Hưng đã có nhiều kết quả đáng mừng. Các tuyến đường nông thôn giờ đã được mở rộng, trải nhựa, đổ bê-tông khang trang. Nhà cửa, hàng rào, vườn tược của bà con gọn gàng, sạch đẹp. Ông Nguyễn Công Minh-Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng cho biết: Là xã thuần nông, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng cà phê, chè, hồ tiêu… xuất phát điểm thấp, nhưng gần 5 năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của lãnh đạo của tỉnh; sự nỗ lực cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, đặc biệt là hệ thống chính trị từ xã đến thôn làng đã vận động nhân dân, được nhân dân hưởng ứng. Vì vậy, phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Nghĩa Hưng đã đạt kết quả đáng mừng.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã đã cùng với trưởng thôn, già làng đến tận nhà tuyên truyền, vận động nhân dân, góp ngày công, hiến đất làm đường. Nhờ được phân tích, hiểu rõ lợi ích khi làm con đường giao thông nông thôn mang đến nên khi thấy chính quyền xã tiến hành trải nhựa con đường đất đỏ trơn trượt nhất là vào mùa mưa, ông Ksoi Wưng-làng Bui, xã Nghĩa Hòa đã cùng bà con xắn tay áo lên, góp những ngày công đầy ý nghĩa để con đường nhanh chóng được hoàn thiện. Ông Ksoi Wưng còn nhớ như in: "Ngày xưa vào mùa mưa, con đường này này trơn trượt lắm, cứ mưa đến là trẻ không đi học được, người già phải ở nhà, không đi đâu. Nó chia cắt làng mình với bên ngoài. Từ khi con đường được trải nhựa, dân làng rất vui. Xây dựng nông thôn mới thì dân mình được hưởng lợi nhiều. Bà con trong làng ai cũng ủng hộ hết”.
Hiện nay, xã cùng nhân dân đã thực hiện được 15,8 km đường giao thông nông thôn theo cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm” với kinh phí hơn 9,2 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 3,2 tỷ đồng.
Qua 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Nghĩa Hưng đã nâng cao thu nhập bình quân đầu người năm 2014 là 26 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống từ 10% (năm 2010) còn 5,1% (năm 2015), xây dựng được 9 nhà văn hóa với số tiền gần 1,6 tỷ đồng (trong đó Nhà nước hỗ trợ 1,1 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 0,488 tỷ đồng)… điều kiện nhà ở, đời sống sinh hoạt của nhân dân cơ bản được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định. Đến nay, xã Nghĩa Hưng cơ bản đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông Nê Y Kiên-Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới huyện Chư Pah cho biết: “Để chương trình xây dựng nông thôn đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, các cấp ủy, chính quyền huyện coi xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ phải làm thường xuyên, liên tục và lâu dài. Việc đầu tiên là cần phải thay đổi tập quán canh tác. Đẩy mạnh các đề án nâng cao năng suất, chất lượng cây cà phê và một số cây trồng cho năng suất cao. Khuyến khích bà con tập trung cho cây công nghiệp nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn. Chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống, đời sống vật chất cho bà con… có như vậy xây dựng nông thôn mới mới bền vững được”.
Ngọc Thu