Kinh tế

Xã Tân Bình: Nâng cao chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là một trong 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Đak Đoa, với hơn 99% dân số sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nên Tân Bình bắt tay vào xây dựng NTM với nhiều khó khăn.

Theo ông Tạ Cầu-Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình-ngoài số tiêu chí đạt chuẩn NTM thấp, cái khó nữa của những ngày đầu xây dựng NTM ở Tân Bình là người dân chưa hiểu rõ mục đích và hiệu quả của chương trình này. Vì vậy xã xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, cả hệ thống chính trị triển khai sâu rộng chủ trương này đến từng hộ dân thông qua các buổi sinh hoạt thôn; lấy ý kiến đóng góp của dân về đề án, đồ án xây dựng NTM của xã và trước khi triển khai mỗi công trình, mỗi tiêu chí... Từ đó đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cùng chung sức để xây dựng Tân Bình sớm trở thành xã NTM.

 

Một góc xã Tân Bình, huyện Đak Đoa. Ảnh: L.N
Một góc xã Tân Bình, huyện Đak Đoa. Ảnh: L.N

Người dân Tân Bình lâu nay chủ yếu sản xuất các loại cây trồng ngắn ngày như khoai lang, su su, bầu, bí… thu nhập không ổn định, kinh tế phát triển chậm. Trước thực tế đó, xã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung chuyển đổi từ cây trồng ngắn ngày sang cây công nghiệp dài ngày, định hình nhóm cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu. Kết quả mỗi năm có vài chục ha cà phê thay thế dần diện tích cũ năng suất thấp và duy trì diện tích cà phê ổn định hơn 640 ha, giữ vững năng suất cà phê đạt 4 tấn nhân/ha. Đặc biệt, xã đã huy động nhiều nguồn vốn triển khai các mô hình sản xuất mới như: IPM trên cây cà phê, sản xuất cà phê bền vững, trồng cây bơ ghép, trồng rau bắp sú an toàn. Nổi bật là khôi phục lại thương hiệu khoai lang Lệ Cần... làm cơ sở để nhân rộng diện tích, nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.

Tiếp đến, xã vận động nhân dân góp vốn hơn 6 tỷ đồng để kéo đường dây điện trung thế, hạ thế và lắp đặt 4 trạm biến áp đưa nguồn điện về phục vụ sản xuất cho hơn 400 ha cây trồng các loại. Nhờ vậy, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt trên 34 triệu đồng/năm, tăng 18,7 triệu đồng/ người/năm so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo từ 7,1% (năm 2011) giảm xuống còn 0,43%.

Cùng với phát triển kinh tế, hạ tầng cơ sở thiết yếu cũng được đầu tư đồng bộ. 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, 100% đường liên thôn được bê tông hóa, đường nội đồng được cứng hóa đảm bảo xe cơ giới đi lại thuận tiện. Xã đã được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Trên địa bàn xã có 100% thôn đạt danh hiệu văn hóa. Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia theo quy định và tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế là 73%. Xã vận động nhân dân đóng góp thêm 2,383 tỷ đồng để bê tông hóa 4 km đường giao thông nông thôn, 0,7 km kiên cố hóa kênh mương, 2 nhà sinh hoạt cộng đồng. Hệ thống nhà dân cư được xây dựng khang trang, kiên cố… Ông Nguyễn Văn Bốn cho biết: “Thấy được hiệu quả mang lại từ chương trình nên nhân dân chúng tôi rất đồng tình. Chúng tôi đã đóng góp ngày công và tiền để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, làm đường giao thông nông thôn…”.

Sau 1 năm được công nhận xã đạt chuẩn NTM, diện mạo nông thôn Tân Bình trở nên khang trang hơn. Ông Phùng Văn Quy vui mừng chia sẻ: “Là một người dân, tôi rất phấn khởi và tự hào với thành quả này. Tôi quyết tâm vận động người dân và người thân trong gia đình tiếp tục đóng góp xã nhà ngày càng giàu đẹp hơn”. Còn Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình Tạ Cầu thì khẳng định: “Phát huy những thành tích đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân xã Tân Bình tiếp tục nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hơn nữa các tiêu chí còn yếu để xứng đáng với danh hiệu xã đạt chuẩn NTM”.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm