Kinh tế

Giá cả thị trường

Xăng, dầu tăng giá 2 lần liên tiếp: Quỹ Bình ổn có nên tồn tại?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, để duy trì giữ giá bán lẻ xăng dầu trong 2 tháng qua (sau đó buộc phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ gần 3.000 đồng/lít xăng qua hai kỳ điều hành trong tháng 4 của Bộ Công Thương), Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (viết tắt: BOG) tại nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng âm. Tổng số tiền sử dụng từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại các doanh nghiệp đã lên tới gần 2.000 tỷ đồng.
 
Giá xăng tăng liên tục ở mức cao, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và chỉ số giá, sức chịu đựng của người tiêu dùng Ảnh: Như Ý
Các số liệu thống kê tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho thấy, nếu tính từ tháng 2/2019 đến nay, BOG tại Petrolimex đã sử dụng tới 2.000 tỷ đồng và chính thức rơi vào trạng thái âm quỹ từ 10 ngày qua. 
Cụ thể, sau mỗi kỳ điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương, BOG của Petrolimex giảm trung bình gần 500 tỷ đồng. Cụ thể, tại thời điểm 28/2/2019, quỹ BOG của tập đoàn này còn kết dư hơn 1.200 tỷ đồng, giảm 700 tỷ đồng so với đầu tháng, do phải tăng trích sử dụng để giữ giá bán lẻ xăng dầu theo điều hành của cơ quan quản lý. Còn đến trước 17 giờ ngày 2/4, tập đoàn này chỉ còn tồn quỹ 9,6 tỷ đồng do mức xả quỹ trong hai kỳ điều hành gần nhất lên tới 2.000 đồng/lít. “Đến trước thời điểm 15 giờ  ngày 17/4, BOG hình thành tại Petrolimex đang bị âm ước tính 240 tỷ đồng”, thông tin từ Petrolimex cho hay. So với mức tồn dư quỹ 15 ngày trước đó, BOG của Petrolimex đã bị giảm thêm tới 250 tỷ đồng. 
Tình trạng âm sâu BOG diễn ra tại rất nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khác. Đến nay, đã có cả chục doanh nghiệp xăng dầu đầu mối bị âm quỹ, không ít doanh nghiệp bị âm hàng chục tỷ đồng đến cả trăm tỷ đồng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn (đề nghị không nêu tên vì lo bị cơ quan quản lý sờ gáy) khẳng định, doanh nghiệp xăng dầu đang gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh. Vị này cho hay, theo quy định và yêu cầu từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp phải luôn đảm bảo nguồn hàng dù việc kinh doanh đang bị lỗ hay không. Với việc giá xăng dầu liên tục được Bộ Công Thương (cơ quan điều hành giá) kìm giữ không cho tăng trong hai tháng đầu năm đã tạo áp lực rất lớn trong việc điều hành và hoạt động của doanh nghiệp. Chưa kể việc cơ quan quản lý yêu cầu xả mạnh quỹ trong hai kỳ liên tiếp của tháng 3 khiến BOG tại đơn vị cũng như ở hàng loạt doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khác bị âm.
“Dù bị âm quỹ nhưng chúng tôi vẫn phải dùng tiền đi vay của ngân hàng và vốn kinh doanh của doanh nghiệp để  trích sử dụng “bù” trong giá bán xăng dầu. Ở nhiều đơn vị hiện nay, mức âm quỹ lên tới cả trăm tỷ đồng. Đồng nghĩa doanh nghiệp phải đi vay số tiền tương ứng để bù trong giá xăng. Nếu tình hình trích BOG kéo dài trong các kỳ điều hành tới khi quỹ đã hết từ lâu, doanh nghiệp sẽ ngày càng khốn khổ hơn nữa. Để bù đắp cho quỹ BOG, doanh nghiệp phải nghiến răng đi vay lãi ngân hàng”, vị này nói.
Cũng theo vị này, việc nhiều doanh nghiệp bị âm nặng BOG cũng kéo theo tình trạng giảm bớt lượng hàng bán. Việc thiếu xăng RON95 tại Hà Nội thời gian qua cũng xuất phát một phần từ BOG của doanh nghiệp bị âm. “Cơ quan quản lý yêu cầu thì doanh nghiệp phải làm nhưng chúng tôi phải chịu rất nhiều sức ép từ các cổ đông góp vốn”, vị này nói.
Xem xét bỏ Quỹ BOG
Trả lời câu hỏi của phóng viên mới đây tại buổi họp báo của Bộ Công Thương liên quan đến điều hành giá xăng dầu và có nên bỏ BOG để thị trường vận hành theo thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, quan điểm cá nhân của ông không muốn có BOG và mong bỏ đi càng sớm càng tốt để “cong ăn cong, thẳng ăn thẳng”. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay thị trường xăng dầu vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo đúng bản chất thị trường, vẫn còn có sự điều hành của nhà nước, nên vẫn cần thiết phải có BOG.
Ông Hải cũng giải thích về nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương điều hành “giật cục” trong thời gian qua. Theo đó, doanh nghiệp được trích 300 đồng mỗi lít xăng dầu khi nhập về để đưa vào BOG. Việc trích Quỹ BOG doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan nhà nước. Tất nhiên có doanh nghiệp mới thành lập, quỹ kết dư chưa nhiều, khi trích nhiều sẽ bị âm. Còn những DN đầu mối lớn, hoạt động lâu, quỹ đều kết dư, nên thực tế thời gian qua có 9/28 DN đầu mối âm BOG. 
“Tại kỳ điều hành ngày 18/3, muốn giữ được giá xăng dầu, chúng tôi phải báo cáo các cấp thẩm quyền để xin xả BOG tới 2.800 đồng/lít xăng E5RON92 và 2.100 đồng đối với RON95; dầu diesel và dầu hỏa đều phải xả quỹ hơn 1.000 đồng/lít để giữ giá. Còn tại sao phải giữ giá là theo chỉ đạo của Chính phủ, vì không muốn tác động chồng chéo do giá điện cũng sẽ tăng từ ngày 20/3”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân tích thêm: Nếu ngày 2/4 vừa rồi không tăng giá xăng dầu thì vẫn phải bù 2.000-2.800 đồng/lít với các mặt hàng xăng và hơn 1.000 đồng/lít với dầu.
“Ngày 2/4 vừa rồi, giá xăng E5RON92 tăng 1.300 đồng/lít, có ý kiến cho rằng, đó là tăng “sốc” nhưng nếu không dùng quỹ để bù hơn 2.042 đồng/lít thì xăng E5 phải tăng tới hơn 3.300 đồng. Tương tự với xăng RON 95, BOG cũng vẫn phải bù 1.300 đồng/lít”, ông Hải nói.
Cần sửa nghị định về xăng dầu
Đánh giá về việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua, trả lời báo chí, Chủ tịch Hội thẩm định giá Nguyễn Tiến Thỏa cho hay, quy định điều kiện kinh doanh xăng dầu tạo ra rào cản, chạy chọt, bôi trơn, méo mó thị trường.
Theo ông Thỏa, cần phải sửa Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thành phần kinh tế tiếp cận. Trong đó, đặc biệt là rà soát tháo gỡ các điểm “nghẽn” về điều kiện kinh doanh và các thủ tục hành chính về kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, các quy định: Tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng làm tổng đại lý cho một thương nhân đầu mối. Thương nhân đã ký hợp đồng làm tổng đại lý cho thương nhân đầu mối không được ký thêm hợp đồng làm tổng đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân đầu mối khác. Đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân phân phối xăng dầu hoặc một thương nhân đầu mối.
 
“Quy định quá ngặt nghèo như vậy đã tạo ra rào cản, chạy chọt, bôi trơn - một thứ tiêu cực vì lợi ích của một nhóm người trên thực tế; không chỉ thế mà nó còn làm cho thị trường không có cạnh tranh và bị méo mó”, ông Thỏa nói.  Ông Thỏa cũng cho rằng, nếu không sử dụng các biện pháp bình ổn giá thì giá sẽ phải tăng cao. Nhưng để bình ổn giá góp phần kiểm soát mục tiêu lạm phát (4%) thì phải tính toán mức tăng và các biện pháp bình ổn hợp lý.
Theo một chuyên gia về xăng dầu, điều hành giá xăng dầu là một nghệ thuật, vừa để quỹ không được âm, vừa phải đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, lạm phát vừa hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Muốn như vậy thì người điều hành giá xăng dầu cần có chuyên môn sâu, tầm nhìn xa và chiến lược. Điều hành kiểu ăn đong từng kỳ ngắn hạn sẽ gặp khó khăn.
Theo vị này, Bộ Tài chính đã quy định các doanh nghiệp đầu mối phải mở riêng một tài khoản cho quỹ bình ổn ở ngân hàng và theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, doanh nghiệp phải thông báo cho bộ số tài khoản. Và ngân hàng hằng quý thông báo cho Bộ Tài chính về số tiền trích lập quỹ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không được phép sử dụng  quỹ này khi chưa có thông báo chi sử dụng quỹ của Liên Bộ Công Thương - Tài chính. Như vậy, khi quỹ dương thì DN cũng không được lợi gì ở quỹ, ngược lại khi quỹ âm thì doanh nghiệp tự bỏ tiền ra tạm ứng bù vào mức được xả quỹ.
“Cá nhân tôi không muốn tồn tại BOG, tốt nhất là nên bỏ quỹ này đi để giá xăng dầu vận hành theo thị trường. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, thị trường xăng dầu vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo đúng bản chất thị trường, vẫn còn có sự điều hành của Nhà nước, nên vẫn cần thiết phải có BOG”. 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Phạm Tuyên (TP)

Có thể bạn quan tâm