Kinh tế

Xăng, điện lại tăng giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giá xăng và điện liên tục tăng trong thời gian gần đây khiến nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng chịu áp lực. Doanh nghiệp thì “gồng mình” giữ giá bình ổn, còn người tiêu dùng thì ngày càng phải “thắt lưng buộc bụng”.

 

Bắt đầu từ tháng 3 trở lại đây, cả 2 loại nhiên liệu điện và xăng đều tăng giá. Trong đó, giá điện tăng thêm 7,5% từ ngày 16-3 và giá xăng được điều chỉnh tăng 2 lần với tổng cộng gần 3.600 đồng/lít (gần đây nhất là ngày 4-5 giá xăng tăng thêm gần 2.000 đồng/lít). Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như tạo thêm gánh nặng chi tiêu của người tiêu dùng.

Ảnh hưởng rõ nhất là đối với các đơn vị kinh doanh vận tải taxi, ông Đặng Đức Kham-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Gia Lai cho biết: “Với mức tăng giá xăng hiện nay, Công ty vẫn cố gắng duy trì giá ổn định như thời điểm giá xăng dầu giảm trước đây. Nếu xăng tiếp tục tăng nữa, Công ty buộc phải tính đến phương án tăng giá cước”. Các hãng taxi còn lại trên thị trường Gia Lai như Hùng Nhân, Tiên Sa… hiện cũng đang giữ nguyên mức giá cũ. Trong đó, sau 2 lần giảm giá cước mở cửa của Hùng Nhân là 7.000 đồng và từ km tiếp theo là 13.500 đồng/km; còn taxi Tiên Sa-hãng xe mới tham gia thị trường Gia Lai cũng vẫn giữ giá mở cửa là 9.900 đồng và km tiếp theo đối với xe 4 chỗ là 14.900 đồng/km, xe 7 chỗ là 16.500 đồng/km. Theo ông Lê Huy Quang-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải-Dịch vụ Phú Hoàng thì mặc dù giá xăng tăng nhưng hãng vẫn giữ nguyên giá nhằm chia sẻ khó khăn cùng khách hàng.

Không riêng gì thị trường vận tải taxi mà ngay cả các cơ sở đào tạo nghề lái xe (nơi có nhu cầu sử dụng nhiên liệu cao) cũng chịu không ít áp lực khi xăng tăng giá. Ông Đoàn Đức Lập-Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Ô tô Gia Lai cho biết: Thời điểm giảm giá xăng dầu trước đây, đơn vị cũng chịu áp lực giảm học phí đào tạo lái xe ô tô, bình quân từ vài trăm ngàn đồng đến gần 1 triệu đồng/học viên/khóa. Tuy nhiên, khi xăng tăng giá trở lại thì đơn vị không thể tăng học phí.

Tương tự, các doanh nghiệp sử dụng điện trong sản xuất cũng buộc phải tính toán, cân đối thời gian, thời điểm sản xuất sao cho tiết kiệm điện, nhằm giảm bớt chi phí giá thành sản phẩm. Theo một doanh nghiệp sản xuất tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) thì việc đầu tư các công nghệ, thiết bị tiết kiệm điện đòi hỏi phải có một nguồn vốn lớn. Vì vậy, trước mắt đơn vị chỉ có thể tiết kiệm điện bằng cách huy động công nhân sản xuất ngoài giờ cao điểm.

Dù sao thì việc tăng giá điện, xăng cũng chỉ làm giảm bớt một phần lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhưng đối với người tiêu dùng thì điện, xăng tăng khiến cuộc sống thêm ngột ngạt, vì họ khó có thể xoay xở để bù đắp những khoản tăng thêm. Áp lực chi tiêu ngày càng đè nặng, nhất là với những người có thu nhập thấp, người dân lao động... thậm chí là giới công chức cũng gặp không ít khó khăn. Chị Trần Thị Ánh (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) buồn rầu nói: “Bình thường mỗi tuần mình đổ khoảng 180.000 đồng tiền xăng đi lại. Nơi làm xa mình chỉ dám sáng đi tối về, trưa nghỉ lại công ty chứ không dám về nhà, vậy mà bình quân 1 tháng khoảng 700.000 đồng, chiếm một khoản không nhỏ đối với đồng lương công chức ít ỏi của mình. Về nhà, thì lại “gánh” thêm bao nhiêu là khoản sinh hoạt phí như tiền ăn, tiền sữa của con, tiền điện… mà cái nào cũng tăng lên, mỗi thứ một chút nên cứ phải “thắt lưng buộc bụng” hoài”.

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm