Kinh tế

Xăng tăng giá “đón đầu” lương mới…?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Niềm vui tăng lương tối thiểu lên 1.050.000 đồng (từ 1-5-2012) vẫn chưa kịp đến, thì giới công chức, người lao động có thu nhập thấp đã phải nhận “tin chẳng lành” về việc giá xăng tăng thêm 900 đồng/lít (dầu diesel và dầu hỏa lần lượt tăng thêm 400 đồng và 600 đồng/lít). Còn doanh nghiệp vận tải thì “đứng ngồi không yên”.

Đời sống thêm khó khăn

“Sốc” trước thông tin xăng dầu lại tăng giá, chị Trần Thị Lan-giáo viên Trường Mầm non 19-8 (TP. Pleiku) bức xúc: “Lương chưa kịp tăng mà giá xăng dầu đã tăng; mà đâu chỉ xăng dầu tăng thôi, kiểu gì rồi hàng hóa khác cũng tăng theo. Phần chênh lệch từ tăng lương chắc chắn sẽ chẳng bù nổi cơn lốc tăng giá kiểu này…”.

Theo giới công chức thì lương tăng chẳng thấm tháp vào đâu nếu giá hàng hóa mỗi thứ nhích lên một tí. Nhất là việc tăng giá của xăng dầu lại quá “nhạy cảm” và có sự tác động lớn đến thị trường giá cả hàng hóa. Nhiều người cho rằng thà cứ để lương như vậy mà giá cả ổn định thì còn dễ sống hơn, chứ kiểu lương tăng một mà giá cả hàng hóa tăng mười thì đời sống cũng chẳng cải thiện nổi, nếu không khéo chi tiêu có khi còn tệ hơn…

 
Ảnh: Lê Lan
Ảnh: Lê Lan

Bởi như chị Lan phân tích: Hiện lương của chị trên 3 triệu đồng, nếu tăng thêm cũng chỉ được vài trăm ngàn đồng, trong khi đó chi phí sinh hoạt lại quá cao thì lấy gì bù đắp. Chỉ riêng chi phí cho cô con gái đang học đại học ở TP. Hồ Chí Minh gia đình chị cũng đã tốn 3 triệu đồng/tháng. Nhưng không phải chỉ nuôi con đi học xa mới tốn nhiều như vậy, theo chị Phạm Bảo Trâm (đường Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) thì nuôi một đứa trẻ đang học mẫu giáo cũng tốn không kém. Nếu tính chi li từ tiền học phí, tiền sữa, tiền thức ăn cho đến tiền quần áo, thuốc men (khoản này không nhỏ bởi trẻ giai đoạn này thường hay đau vặt-N.V)… tất tần tật cộng lại chi phí đến 2-3 triệu đồng cho bé trong một tháng là chuyện bình thường.
 

Tại Gia Lai, do là khu vực 2 nên giá xăng dầu còn bị cộng thêm chi phí vận chuyển. Hiện giá xăng A92: 24.760 đồng/lít; dầu diesel 0,05: 22.420 đồng/lít; dầu hỏa: 21.610 đồng/lít. Như vậy, từ đầu năm đến nay giá xăng đã tăng thêm 3.000 đồng/lít, dầu diesel tăng thêm 1.500 đồng/lít.

Như vậy, với bình quân chi phí sinh hoạt cho 1 người từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng/tháng thì hai vợ chồng cùng làm công chức mà không làm việc gì thêm, nuôi 2 đứa con thì quả là “khó sống” trong thời buổi này. Đối với người lao động nghèo thì việc đảm bảo bữa ăn còn khó chứ đừng nói đến cơ hội cho con học trường tốt hoặc đi học xa.

Doanh nghiệp vận tải “gồng mình”

Thông tin xăng dầu tăng giá khiến nhiều doanh nghiệp vận tải “đứng ngồi không yên”, nhất là những doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng taxi, bởi tăng giá cước thì sợ cạnh tranh, tốn chi phí kiểm định, niêm chì mà không tăng thì bị thiệt nên nhiều doanh nghiệp đành chọn giải pháp thiệt ít còn hơn lỗ nhiều. Ông Đặng Đức Kham-Giám đốc Taxi Mai Linh tại Gia Lai cho biết: Lần tăng hồi đầu tháng 3, doanh nghiệp tốn hàng chục triệu đồng để kiểm định đồng hồ, kẹp chì theo đúng quy định cho gần 200 chiếc taxi. Mới làm xong thì xăng lại tăng giá, nếu tiếp tục điều chỉnh tăng giá cước thì mức tăng chẳng thấm vào đâu so với chi phí kiểm định, kẹp chì nên tạm thời giá cước taxi của doanh nghiệp sẽ không tăng”.

Tương tự, các doanh nghiệp vận tải hành khách cũng đành “nín chịu” không tăng giá cước. “Trước đây dầu tăng 1.000 đồng/lít doanh nghiệp còn chịu được, bây giờ tăng 500 đồng/lít chẳng lẽ không chịu nổi. Mình đâu có được “độc quyền” như người ta mà cứ “kêu lỗ” rồi muốn tăng giá, làm trời làm đất kiểu gì cũng được”-ông Nguyễn Hồng Hải-Chủ hãng xe Hồng Hải cho hay.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm