Kinh tế

Xây bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả FDI ở Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sản xuất dầu ăn tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Quảng Ninh).
Sản xuất dầu ăn tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Quảng Ninh).

Sáng 18-4, tại Hà Nội, Học viện Chính sách Phát triển-Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo "Xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam".

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá việc nghiên cứu xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả FDI ở Việt Nam là thực sự cần thiết, phù hợp, giúp các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn rõ hơn và cụ thể đối với dòng vốn này, từ đó có các giải pháp, biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả hơn.

Tính đến cuối năm 2010, cả nước đã có 12.213 dự án với số vốn đăng ký lên tới gần 193 tỷ USD, tăng khoảng 600 lần so với năm 1990; trong đó, vốn pháp định đạt trên 63 tỷ USD. Đến nay, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được công nhận là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế với khoảng 13.000 dự án đang hoạt động.

Các dự án đã tạo ra 1 triệu việc làm cho người lao động, đóng góp gần 1/3 tổng GDP quốc gia, trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp và hơn 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn chưa tận dụng tối ưu các cơ hội thu hút FDI và chưa tối đa được hiệu quả lợi ích mà đầu tư FDI có thể mang lại. Phần lớn các dự án FDI có quy mô nhỏ, công nghệ sử dụng chủ yếu có nguồn gốc từ Châu Á. Đặc biệt, Việt Nam chưa được chọn là điểm đầu tư của phần lớn các công ty đa quốc gia có tiềm năng lớn về công nghệ và sẵn sàng chuyển giao công nghệ và tri thức.

Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Doãn Vịnh, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển Chiến lược cho rằng, mục tiêu của đề án là xây dựng được bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả của FDI phù hợp với điều kiện số liệu thống kê của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu phân tích kinh tế vĩ mô trên cơ sở đó cung cấp những luận cứ cho việc hoạch chính sách thu hút vốn FDI của Việt Nam. Mục tiêu này là quá lớn, khó có thể đạt được.

Nhiều chỉ tiêu đưa vào nhưng không hiệu quả; ví dụ như chỉ tiêu vốn đóng góp FDI vào khu vực kinh tế Việt Nam hiệu quả. Theo ông Vịnh, khi xét về hiệu quả của FDI, nên đánh giá hiệu quả trực tiếp của FDI là năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn FDI và đánh giá hiệu quả của khu vực FDI đóng góp cho nền kinh tế quốc dân.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, nên đánh giá hiệu quả của FDI theo từng thời kỳ, không thể đánh giá chung trong suốt 20 năm. Vì trước đây, hiệu quả của FDI chỉ cần đánh giá trên cơ sở giải quyết việc làm nhưng nay cần phải tính đến hiệu quả năng suất. Theo ông Tuấn, Bộ chỉ tiêu này nên đưa vào đánh giá của một số ngành công nghiệp chủ chốt của đất nước để so sánh với đầu tư trong nước. Từ đó mới biết có hiệu quả hay không?.

Nhằm nâng cao hiệu quả của FDI trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng cần điều chỉnh cơ cấu FDI thu hút vào Việt Nam theo hướng tăng cường hiện đại và hiệu suất; xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho lập, xây dựng và đánh giá dự án cũng như làm việc trong khu vực FDI; nâng cao chất lượng quản trị nhà nước và quản trị doanh nghiệp và xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư hiệu quả và có tầm nhìn dài hạn.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện để thực hiện các nghiên cứu này một cách định kỳ và có báo cáo tổng kết, kết hợp giữa sử dụng bộ chỉ tiêu và sử dụng nghiên cứu thực nghiệm. Từ đó mới có thể có được bức tranh toàn diện về hiệu quả FDI, là cơ sở hoạch định chính sách và quản lý, phát huy một cách tối đa nguồn vốn FDI phục vụ cho phát triển bền vững của Việt Nam.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm