Chính trị

Tin tức

Xây dựng An Khê xứng tầm vùng kinh tế động lực phía Đông tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiệm kỳ 2015-2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Bước sang nhiệm kỳ mới trong bối cảnh gặp không ít khó khăn, thách thức, An Khê tiếp tục nêu cao quyết tâm, đoàn kết xây dựng thị xã ngày một phát triển, xứng tầm là vùng kinh tế động lực phía Đông của tỉnh.

 

Những thành tựu đáng tự hào

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân của thị xã An Khê đạt 12,75%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết). Ước tính đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) tăng 1,82 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, giảm tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ.

Quang cảnh phiên trù bị. Ảnh: Quang Tấn
Quang cảnh phiên trù bị Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã An Khê lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: Quang Tấn


Những năm qua, thị xã tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, bước đầu chuyển dịch theo hướng sản xuất tập trung các vùng chuyên canh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao. Nhờ vậy, trên địa bàn thị xã đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng (rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu...) gắn với phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hội trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, thị xã đã xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận “Rau An Khê-Gia Lai” nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh phát triển kinh tế, công tác đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị cũng được thực hiện đồng bộ. Từ nguồn vốn ngân sách địa phương, An Khê đã đầu tư xây dựng 199 công trình (119 công trình đường giao thông, 29 trường học, 28 trụ sở làm việc và nhà văn hóa, 1 trạm y tế, 18 công trình hạ tầng kỹ thuật, 3 công trình thủy lợi…). Thị xã thường xuyên kêu gọi, xúc tiến đầu tư để triển khai các dự án khu đô thị mới, khu dân cư, trung tâm thương mại, siêu thị và các loại hình dịch vụ khác.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh cũng ghi nhận nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, toàn thị xã có 26 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 92,86%. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo chất lượng, chuẩn hóa về trình độ đào tạo. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được chú trọng; xây dựng 1 điểm trường chung và dạy tiếng Bahnar cho 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mạng lưới y tế cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn; chất lượng khám-chữa bệnh được nâng lên; các chương trình mục tiêu y tế, dân số được triển khai có hiệu quả. Các hoạt động văn hóa-thông tin, thể dục-thể thao được đẩy mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,09% (năm 2015) xuống còn 1,5% (năm 2020).

Hiện nay, tổng số lao động trên địa bàn là 43.607 người (tăng 4.757 người so với năm 2015). Tỷ lệ lao động qua đào tạo vào thời điểm cuối năm 2020 ước đạt 35,5% (tăng 6,5% so với năm 2015). Trung bình mỗi năm, thị xã giải quyết việc làm cho khoảng 1.096 lao động…

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, thị xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xác minh thông tin, tìm kiếm, cất bốc, quy tập được 130 hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã và xây dựng 1 mộ tập thể liệt sĩ tại thôn Tú Thủy, xã Tú An. Các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương được triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững; công tác tư pháp đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng-chống tội phạm; việc phòng-chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt.

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12-1-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã khóa XVI về “Một số chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xây dựng thị xã An Khê trở thành đô thị loại III”, đến nay, An Khê đạt 46/59 tiêu chuẩn đô thị loại III (miền núi), tăng 4 tiêu chuẩn so với năm 2015. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư, công tác chỉnh trang đô thị được chú trọng. Cùng với đó, Cụm công nghiệp An Bình từng bước đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, đã có 4 doanh nghiệp vào đầu tư với diện tích xây dựng và sử dụng 9,722 ha (chiếm 19,19% tổng diện tích đất Cụm công nghiệp).

Thị xã đã triển khai thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với Di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo giai đoạn 2017-2020. Hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, liên kết hợp tác phát triển du lịch ngày càng được quan tâm đẩy mạnh. Các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử-văn hóa, du lịch có nhiều đổi mới, góp phần thu hút lượng du khách tham quan, du lịch ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2016-2020, khách du lịch đến thị xã An Khê ước đạt 65.000 lượt, doanh thu khoảng 35 tỷ đồng. Song song với đó, công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích sơ kỳ Đá cũ cũng được đẩy mạnh và thu được những kết quả tích cực.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Đến cuối năm 2018, thị xã có 5/5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thị xã đang hướng tới mục tiêu được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2020 và có 2/5 xã nông thôn mới nâng cao (xã Thành An và Cửu An). Hiện nay, trên địa bàn thị xã đã có 1/4 làng hoàn thành xây dựng làng nông thôn mới (làng Pờ Nang, xã Tú An). Trong năm 2020, thị xã sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng làng nông thôn mới ở các làng còn lại gồm: làng Pốt (xã Song An), làng Nhoi và Hòa Bình (xã Tú An).

Phấn đấu xứng tầm vùng kinh tế động lực phía Đông

An Khê được xác định là vùng kinh tế động lực phía Đông của tỉnh, lại sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh về giá trị lịch sử-văn hóa, du lịch. Đồng thời, các dự án, công trình trọng điểm đã, đang và sẽ được đầu tư xây dựng hứa hẹn đem lại nguồn lực giúp kinh tế-xã hội thị xã An Khê tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc An Khê sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại-dịch vụ và du lịch gắn với tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ theo tiêu chí đô thị loại III.    

Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình làm việc phiên chính thức Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã An Khê lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: QUANG TẤN
Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình làm việc phiên chính thức Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã An Khê lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: Quang Tấn


Với tinh thần “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Trách nhiệm-Phát triển”, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc thị xã An Khê sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra.


Trong lĩnh vực nông nghiệp, thị xã chú trọng phát triển trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ và tăng hiệu quả sử dụng đất, năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm. Thị xã sẽ chú trọng 2 khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp nông thôn.

Thứ nhất là đổi mới mạnh mẽ quan hệ sản xuất nông nghiệp, nông thôn thông qua phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các nông sản chủ lực. Cải thiện mối quan hệ, tạo liên kết bền vững cùng có lợi giữa nông dân mà đại diện là hợp tác xã nông nghiệp với nhà máy, doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, dược liệu trên địa bàn.

Thứ hai là tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ phát triển nông nghiệp, chú trọng năng lực quản lý, duy tu bảo dưỡng, nâng cấp, khai thác hiệu quả các công trình thủy nông theo hướng đa mục tiêu kết hợp cải thiện môi trường cảnh quan; tiếp tục đầu tư mở rộng hợp lý, cứng hóa hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng.

Ngoài ra, sẽ thực hiện quy hoạch, xây dựng, phát triển các vùng chuyên canh rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu; chú trọng khâu sơ chế, chế biến nông sản… gắn với khai thác hiệu quả, bền vững nhãn hiệu chứng nhận “Rau An Khê-Gia Lai”; từng bước đầu tư phát triển, xây dựng thương hiệu trên các nhóm sản phẩm đặc trưng vùng chuyên canh, thúc đẩy xây dựng sản phẩm chủ lực, thế mạnh của mỗi xã, phường gắn với du lịch nông nghiệp sinh thái.

Bên cạnh đó, để tạo sức bật thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp-xây dựng, thị xã sẽ tạo điều kiện cho các nhà máy chế biến nông-lâm sản lớn trên địa bàn phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Tiếp tục đầu tư đồng bộ, sớm hoàn chỉnh hạ tầng Cụm công nghiệp An Bình gắn với xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là trên các lĩnh vực chế biến nông-lâm sản, dược liệu, may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng; hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp vào đầu tư phát triển doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp An Bình.

Hoàn thành xây dựng đường vành đai Bắc thị xã, kết hợp bố trí nguồn lực ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026, hoàn thiện hệ thống giao thông kiên cố, hiện đại, thuận lợi, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Song song với đó, An Khê sẽ khai thác, phát huy lợi thế về địa lý, giao thông để tập trung xây dựng, phát triển thị xã trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch phía Đông tỉnh. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, hoàn thiện các sản phẩm du lịch. Đồng thời, tăng cường quảng bá du lịch, chú trọng liên kết phát triển du lịch các huyện phía Đông với các địa phương khác thuộc tỉnh Gia Lai, liên kết giữa du lịch vùng Tây Sơn Thượng đạo với Tây Sơn Hạ đạo (tỉnh Bình Định). Từng bước đầu tư, phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch kết hợp nghiên cứu khoa học, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.

Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình, dự án mang tính đột phá như: Quần thể di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo, Khu di tích khảo cổ sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng gắn với hồ thủy điện An Khê-Ka Nak, hồ Bến Tuyết, hồ Hòn Cỏ, Cụm tượng đài văn hóa, cảnh quan đầu đèo An Khê… Hỗ trợ phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, hàng hóa thế mạnh của địa phương để từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã.

NGUYỄN THỊ THANH LỊCH
Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy

Có thể bạn quan tâm