Chính trị

Tin tức

Xây dựng, củng cố, phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc TN

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 11-8, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức “Hội thảo khoa học xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay”. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên.

Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe Báo cáo Đề dẫn “Xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên  trong giai đoạn hiện nay” do Giáo sư-Tiến sĩ Lê Hữu Nghĩa- Ủy viên BCH TƯ Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày.

Tham luận của các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả công tác thực hiện các chính sách về dân tộc và tôn giáo ở các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ, công tác vận động quần chúng và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, công tác đấu tranh chống địch lợi dụng về dân tộc và tôn giáo cũng như giáo dục cảm hóa các đối tượng lầm lỡ tại cộng đồng, ngăn chặn vượt biên trái phép, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…  

Các tham luận tại Hội thảo đã đề cập những nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên trong thời gian tới. Đó là vai trò của hệ thống chính trị trong công tác vận động quần chúng, xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên. Tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tư tưởng và quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết Hội Nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc và tôn giáo đến với các tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt các chính sách về dân tộc và tôn giáo, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo gắn với an sinh xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác bám cơ sở và thôn-làng, tiếp tục phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người uy tín trong các hoạt động ở địa phương. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể, phát huy vai trò của cá nhân tiêu biểu và uy tín, các chức sắc tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh…
Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm