Chính trị

Xây dựng đội ngũ trí thức 15 năm nhìn lại - Kỳ cuối: Cần những giải pháp bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ việc nhìn nhận những hạn chế trong chính sách thu hút, đào tạo đội ngũ trí thức, lãnh đạo một số ngành, địa phương, đơn vị đã kiến nghị các giải pháp căn cơ nhằm xây dựng đội ngũ này, qua đó đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh nhà nói riêng và đất nước nói chung.

Xây dựng chính sách phù hợp, tăng cường đãi ngộ

Theo ông Lý Minh Thái-Phó Giám đốc Sở Y tế, năm 2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 39/2010/QĐ-UBND “Quy định chế độ hỗ trợ đào tạo sau đại học và chính sách thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh Gia Lai”. Tuy nhiên, hiện tại, quy định này đã không còn áp dụng. Để đảm bảo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân, ngành Y tế mong muốn tỉnh có chính sách khuyến khích tương tự.

Bên cạnh đó, có chính sách đặc thù thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, làm nguồn để phát triển; đồng thời, giữ chân những người đang công tác bằng việc tạo môi trường làm việc thuận lợi để họ cống hiến, đi đôi với chính sách hỗ trợ đào tạo, quan tâm đến cơ hội thăng tiến và phát triển... Đặc biệt, cần tạo điều kiện để họ có cơ hội đào tạo nâng cao trình độ, tiếp cận sâu lĩnh vực chuyên môn ở nước ngoài, từ đó phục vụ ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.

“Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã trình xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án phát triển hệ thống y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030 tại Tờ trình số 125-TT/BCSĐ ngày 10-5-2023. Sau khi Đề án được phê duyệt, tỉnh sẽ triển khai xây dựng chính sách, giải pháp thu hút nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, tăng cường tuyển dụng và đãi ngộ đội ngũ cán bộ y tế tại các địa bàn khó khăn. Chúng tôi rất mong chờ đề án này sớm được phê duyệt, triển khai”-ông Thái cho hay.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trực thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Ảnh: Phương Dung

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trực thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Ảnh: Phương Dung

Trao đổi với P.V xoay quanh việc thu hút, đãi ngộ đội ngũ trí thức, nhất là cán bộ khoa học-kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao về công tác tại các vùng khó khăn, ông Phan Trần Thọ-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kbang-đề xuất tỉnh quan tâm ban hành chính sách đãi ngộ thỏa đáng như: ưu tiên đất ở, hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu góp phần đảm bảo cuộc sống, giúp họ an tâm hơn trong công tác. Hoặc hỗ trợ thêm kinh phí cho phát triển khoa học công nghệ tại địa phương để đội ngũ trí thức có điều kiện nghiên cứu và phát huy năng lực sáng tạo thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học…

Dự kiến đến năm 2045, toàn tỉnh có 145.596 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, tăng khoảng 11,75% so với thời điểm ngày 1-4-2021; trí thức có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 80%. Trong đó, giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh có khoảng 136.410 người có trình độ cao đẳng trở lên, tăng khoảng 4,7%; trí thức có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 77%.

Về phía huyện, ông Thọ cho biết, thời gian tới tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TW đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức; gắn thực hiện Nghị quyết với phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Hàng năm, huyện chú trọng xây dựng kế hoạch cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là các lĩnh vực trọng tâm như: phát triển nông nghiệp, nông thôn; giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa... Bên cạnh đó, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức, đảm bảo khách quan, dân chủ, đúng tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm.

“Phát triển đội ngũ trí thức phải đảm bảo sự hợp lý, cân đối trong phân bố giữa các vùng miền, địa phương và thành phần kinh tế; thực hiện sắp xếp, bố trí đội ngũ trí thức theo đúng ngành nghề, phù hợp năng lực, sở trường mỗi người. Mặt khác, hàng năm gắn công tác tổng kết với tôn vinh những trí thức lao động giỏi, những cá nhân, tổ chức có sáng kiến đưa khoa học công nghệ mới vào các lĩnh vực quản lý xã hội, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, văn hóa... vì sự nghiệp phát triển chung của huyện”-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kbang nhấn mạnh.

Cán bộ Phòng Nghiên cứu-Triển khai (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ) kiểm tra các sản phẩm cấy mô trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Phan Lài

Cán bộ Phòng Nghiên cứu-Triển khai (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ) kiểm tra các sản phẩm cấy mô trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Phan Lài

Thực hiện Dự án 174 của Bộ Quốc phòng về “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế-quốc phòng”, trong giai đoạn 2010-2020, Binh đoàn 15 đã tiếp nhận 149 trí thức trẻ tình nguyện về công tác. Trong số này, 110 người đã được tiếp nhận ở lại công tác lâu dài tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Binh đoàn. Giai đoạn 2022-2024, Binh đoàn tiếp nhận 15 trí thức trẻ tình nguyện. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Binh đoàn đã quan tâm bố trí nhiệm vụ công tác phù hợp với chuyên môn nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, góp sức trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.

Tạo điều kiện để trí thức phát huy năng lực và cống hiến

Là người luôn đau đáu với công tác phát triển đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh-cho hay: Gia Lai có khá nhiều người tài đang công tác trong và ngoài nước. Nếu biết cách kêu gọi, thu hút lực lượng này thì tỉnh sẽ có một đội ngũ trí thức hùng hậu hơn so với hiện nay. Đó là lý do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh từng mời gặp mặt một số trí thức gốc Gia Lai đang sinh sống, làm việc tại các tỉnh, thành và trí thức Việt kiều nhân dịp đầu năm. Tuy nhiên, theo ông Danh, hàng năm, nếu tỉnh đứng ra tổ chức thì việc tập hợp sẽ hiệu quả hơn, từ đó huy động sự đóng góp tích cực, hiệu quả về vật lực, tài lực cho tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, cần quan tâm động viên thường xuyên, kịp thời đội ngũ trí thức hiện có, trong đó có trí thức khoa học công nghệ.

Để tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, tại báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền tăng cường vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động, góp phần xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong xu thế kết nối (công nghệ 4.0). Đây là điều kiện tiên quyết nhằm phục vụ phát triển các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông-lâm sản, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch như định hướng của tỉnh.

Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức. Ảnh: Phương Duyên

Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức. Ảnh: Phương Duyên

Cùng với đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, trọng dụng, phát huy tốt đội ngũ trí thức gắn với tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ các điều kiện cần thiết để trí thức phát huy năng lực, sở trường công tác. Quy hoạch xây dựng đội ngũ trí thức đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, từng ngành, từng lĩnh vực. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức theo nhu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ gắn với bố trí phù hợp với chuyên môn, năng lực; phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo và trách nhiệm của trí thức đối với xã hội, nhất là đội ngũ trí thức trẻ.

Một giải pháp quan trọng khác đó là tiếp tục đổi mới công tác đánh giá, xét duyệt các danh hiệu tôn vinh trí thức; tôn trọng và phát huy tính tự chủ, nâng cao hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức. Ưu tiên cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, sáng tạo của trí thức. Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức và tạo điều kiện cho hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và các hội thành viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Tại buổi gặp mặt đại diện trí thức, văn nghệ sĩ và đội ngũ người làm báo trên địa bàn tỉnh nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn đề nghị đội ngũ trí thức của tỉnh tiếp tục đi sâu nghiên cứu, khơi dậy tinh thần sáng tạo, tích cực phổ biến, triển khai áp dụng các thành tựu khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn vào thực tiễn đời sống. Tích cực tham gia tư vấn, phản biện, góp ý các chính sách, đề án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là tham gia vào quá trình triển khai các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trọng điểm đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định; phát huy vai trò đầu tàu trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của tỉnh.

“Tôi cũng đề nghị các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tốt hơn nữa, chủ động nghiên cứu, tham mưu với tỉnh các cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức có tài năng, có phẩm chất đạo đức tốt, có nhiều cống hiến cho sự phát triển của tỉnh. Bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, chế độ để trí thức yên tâm công tác, nhất là trí thức công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn”-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm