Xã hội

Xây dựng gia đình tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình phải đối mặt với những thách thức để giữ gìn nếp sống, bảo vệ tổ ấm của mình. Để làm được điều đó, vai trò chủ yếu thuộc về các thành viên trong gia đình cùng với sự quan tâm của các ngành và chính quyền địa phương.
Gia đình anh Siu Chin và chị Kpuih H’Nim (làng Tel, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) từng là hình mẫu của các cặp vợ chồng trẻ trong làng. Từ ngày mua chiếc smartphone, anh Chin chỉ dành thời gian chơi game, bỏ bê ruộng rẫy khiến gia đình rạn nứt, thậm chí trên bờ vực ly hôn.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị H’Nim quyết định nhờ ban hòa giải của làng giúp đỡ. Ông Siu Lêng-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn cũng là Trưởng ban hòa giải rất nhiệt tình khuyên răn, phân tích. “Tôi đến nhà ngồi nói chuyện với anh Chin. Mới đầu, anh tỏ ra khó chịu nhưng bằng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng anh đã hiểu ra và từ bỏ thói quen xấu”-ông Lêng cho hay. Đặc biệt, sau đó, anh Chin còn hỗ trợ Ban hòa giải trong công tác tuyên truyền thanh niên trong làng từ bỏ game để chăm chỉ làm ăn.
Hiện nay, người trẻ suốt ngày chăm chú lướt điện thoại thông minh mà lãng quên chăm chút cho gia đình, lâu ngày vô tình khiến các thành viên thêm khoảng cách. Thậm chí, một số gia đình còn xuất hiện tình trạng con cái không tôn trọng, quan tâm cha mẹ, ông bà, a dua lối sống tự do, phá vỡ khuôn khổ, truyền thống tốt đẹp của nếp sống gia đình truyền thống. Một số thanh-thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số lười học hành, đua đòi theo bạn bè, yêu cầu cha mẹ phải mua cho xe máy phân khối lớn. Có nhà không có sẵn tiền nhưng vì nuông chiều con cái nên buộc phải bán ruộng, bán rẫy để lấy tiền mua xe, để lại nhiều hậu quả khôn lường vì nợ nần, tai nạn giao thông, gia đình lâm vào khốn khó.
Để giữ gìn truyền thống văn hóa gia đình trong thời hiện đại, thời gian qua, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch luôn quan tâm triển khai, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa; tiếp tục thực hiện tốt các tiêu chí công nhận gia đình văn hóa, làm thấm sâu vào nếp sống hàng ngày của các gia đình, tạo nên môi trường lành mạnh, góp phần hình thành nhân cách văn hóa của mỗi thành viên trong gia đình.
Ông Nguyễn Minh Đức-Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chư Păh-cho biết: “Hàng năm, huyện thường xuyên tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn hóa đến mỗi gia đình. Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức đăng ký, bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa dựa trên những tiêu chí thực tế, thiết thực; xây dựng, biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu, trở thành gương sáng trong phong trào để từ đó nhân lên truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam”.
Liên đoàn Lao động tỉnh biểu dương gia đình công nhân-lao động tiêu biểu toàn tỉnh năm 2021. Ảnh: Đinh Yến
Liên đoàn Lao động tỉnh biểu dương gia đình công nhân-lao động tiêu biểu toàn tỉnh năm 2021. Ảnh: Đinh Yến
Liên quan lĩnh vực này, ông Ngô Tuyến-Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho hay: Từ năm 2019, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” với tiêu chí chung được xây dựng trên 4 nguyên tắc: tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Theo đó, bộ tiêu chí đặt ra các mối quan hệ vợ chồng (chung thủy, nghĩa tình); cha mẹ với con, ông bà với cháu (gương mẫu, yêu thương); con với cha mẹ, cháu với ông bà (hiếu thảo, lễ phép); anh, chị, em (hòa thuận, chia sẻ).
Ngày 2-4-2021, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển gia đình Việt Nam năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục đích thông qua các giải pháp, chương trình, dự án để góp phần hỗ trợ gia đình phát triển bền vững, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Theo đó, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình tập trung vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa; lựa chọn xây dựng thí điểm các mô hình câu lạc bộ thôn, làng, tổ dân phố, gia đình “Tam, tứ đại đồng đường” truyền thống; triển khai mô hình gia đình văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp; gia đình công nhân viên chức-lao động tiêu biểu.
“Bên cạnh sự nỗ lực của ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch, rất cần sự vào cuộc của các ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho các thành viên và các gia đình, phát huy vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa; nhân rộng và thí điểm các mô hình gia đình văn hóa truyền thống “Tam, tứ đại đồng đường”. Bởi gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc”-ông Ngô Tuyến nhấn mạnh.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm