Xã hội

Đời sống

Xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực dân số và phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực dân số và phát triển bao trùm trong đó nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế ứng phó với xu hướng mức sinh thấp và thích ứng tình trạng già hóa dân số.

Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông báo 157/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển.

Bộ Y tế, các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng tài liệu báo cáo, chuẩn bị cho cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Dân số và Phát triển. Các ý kiến tham luận của GS. Nguyễn Thiện Nhân, các chuyên gia, các bộ, ngành thành viên và các tỉnh, thành phố tham dự họp đều rất tâm huyết và có nhiều giá trị đối với công tác Dân số và Phát triển thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực dân số và phát triển. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực dân số và phát triển. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Với sự nỗ lực của ngành y tế-dân số từ trung ương đến địa phương, sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân, công tác dân số nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng như giữ được mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc trong hơn một thập kỷ qua, duy trì mức độ gia tăng dân số phù hợp hàng năm; Quy mô dân số nước ta hơn 100 triệu người, đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng; Chất lượng dân số, chỉ số phát triển con người ngày càng được cải thiện, tuổi thọ bình quân người Việt Nam ngày càng được nâng cao. Tạo ra những lợi thế cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên công tác dân số nước ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức như các vấn đề: Già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền, xu hướng mức sinh thấp, di cư, chất lượng dân số…

Mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho công tác dân số và phát triển ngày càng lớn và khó khăn hơn. Trong khi một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến công tác dân số và phát triển; việc bố trí kinh phí chưa tương xứng, tổ chức bộ máy, nhân lực làm công tác dân số có nhiều biến động, chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều đề án chưa được ban hành kịp thời…

Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài đặc biệt khi tài nguyên con người sẽ thay thế tài nguyên thiên nhiên là động lực phát triển đất nước bền vững. Đây là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, đầu tư cho dân số là đầu tư cho phát triển.

Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực dân số và phát triển

Trong năm 2024, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác này, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chủ trì sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới để báo cáo Bộ Chính trị tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, đảng, chính quyền nhận thức rõ, đúng đắn vai trò của dân số đối với phát triển và nguy cơ, thách thức trong công tác dân số.

Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực dân số và phát triển bao trùm trong đó nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế ứng phó với xu hướng mức sinh thấp và thích ứng tình trạng già hóa dân số. Phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu phương án tổ chức bộ máy đồng bộ, thống nhất và phương án kinh phí trong hoạt động quản lý nhà nước về dân số; xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ thu thập, thống kê các chỉ tiêu dân số, chất lượng, chế độ kiểm tra, báo cáo.

Xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó chỉ rõ các nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện hiệu quả công tác dân số và phát triển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-5-2024.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chương trình truyền thông, tài liệu truyền thông để nâng cao nhận thức về công tác dân số trong tình hình mới.

Bộ Y tế có các tiêu chí sát đúng để chọn một số trong 8 chương trình về dân số trong năm 2024 báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo bố trí kinh phí cho triển khai.

Ban hành kế hoạch kiểm tra năm 2024 của Ban Chỉ đạo Quốc gia trong tháng 4 năm 2024. Các bộ, ngành được phân công chủ trì các đoàn kiểm tra giám sát địa phương chủ động sử dụng kinh phí của bộ, ngành. Tham mưu, trình Trưởng Ban Chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia; củng cố, kiện toàn Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia, bố trí nhân lực và cơ sở vật chất để vận hành Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia bảo đảm nguyên tắc không phát sinh tổ chức, biên chế trong quý II năm 2024.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, công tác dân số và phát triển rất quan trọng khi tài nguyên con người sẽ thay thế tài nguyên thiên nhiên và nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực phát triển đất nước bền vững. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, công tác dân số và phát triển rất quan trọng khi tài nguyên con người sẽ thay thế tài nguyên thiên nhiên và nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực phát triển đất nước bền vững. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Lồng ghép các biến dân số vào các đề án, chương trình, kế hoạch, dự án, quy hoạch của các bộ, ngành

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tham mưu, rà soát, củng cố lại tổ chức bộ máy làm công tác dân số bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong cả nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới, trước tháng 10 năm 2024.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nhận thức chính xác, đúng đắn, đầy đủ nội hàm, tầm quan trọng của chính sách dân số và phát triển.

Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét ưu tiên nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu về công tác dân số trong tình hình mới, trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế để có các giải pháp đồng bộ trong công tác dân số, phát triển.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên nguồn lực, đầu tư kinh phí, bố trí dòng ngân sách chi riêng để bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác dân số.

Các bộ, ngành thành viên khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, đề án đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ.

Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án đã được ban hành.

Lồng ghép các biến dân số vào các đề án, chương trình, kế hoạch, dự án, quy hoạch của các bộ, ngành theo Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 25-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về lồng ghép các yếu tố dân số vào chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương.

Kiện toàn Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển các cấp

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Tăng cường chỉ đạo, quan tâm hơn nữa, bố trí nguồn lực, bộ máy, nhân lực cho công tác dân số và phát triển; chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đối với công tác này. Cạnh đó, chủ động tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác để có những giải pháp riêng phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực từng địa phương. Tăng cường phối hợp với các cơ quan trung ương và giữa các địa phương. Kiện toàn Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển các cấp, phân công, phân nhiệm cho các thành viên, ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, hoàn thành trong Quý II năm 2024.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và báo cáo kết quả về Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia (Bộ Y tế) để tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Có thể bạn quan tâm