Chính trị

Tin tức

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 4-4-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định ngày 9-11  là “Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (gọi tắt là Ngày Pháp luật).  

Sở dĩ chọn ngày 9-11 là bởi đây là ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ban hành bản Hiến pháp đầu tiên vào năm 1946. Đây là bản Hiến pháp đặt ra nền dân chủ đầu tiên của nhà nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và cũng thể hiện rõ tư tưởng của Người về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

 

Tuyên truyền cho người dân hiểu về những sai trái của tà đạo “Pơ Khắp Brâu” ở xã Chrôh Pơnan (huyện Phú Thiện). Ảnh: V.N
Tuyên truyền cho người dân hiểu về những sai trái của tà đạo “Pơ Khắp Brâu” ở xã Chrôh Pơnan (huyện Phú Thiện). Ảnh: V.N

Ngày Pháp luật thể hiện rõ mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền “của dân, do dân và vì dân”. Ngày Pháp luật cũng là nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Mọi người phải nhận thức vai trò của pháp luật là rất quan trọng, là tối thượng trong đời sống xã hội; việc tăng cường sự hiểu biết pháp luật thể hiện tính minh bạch, hướng đến quyền tự do của con người trong khuôn khổ; việc thực thi pháp luật hiệu quả thể hiện tính văn minh của một dân tộc và đảm bảo cho một nền hành chính hiệu quả, an toàn.

Sau hơn 30 năm đổi mới, nước ta có rất nhiều chuyển biến tích cực từ việc xây dựng pháp luật đến thực thi pháp luật. Mọi hoạt động xã hội đều điều chỉnh bằng công cụ pháp luật, tuy rằng đây đó vẫn còn có một số kẽ hở do pháp luật chưa lường hết (hoặc điều chỉnh hết) mọi hành vi trong một xã hội vận động phát triển không ngừng. Nhưng phải khẳng định rằng, chúng ta đã và đang có nhiều nỗ lực từng bước xây dựng nền pháp chế an toàn nhằm đem đến sự bình đẳng, phát triển toàn diện cho mọi tổ chức và công dân, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Gia Lai là một tỉnh miền núi với trên 45% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận cư dân còn hạn chế. Song, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị các cấp, nhiều năm qua, việc đưa pháp luật vào đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn đã có những chuyển biến rõ rệt. Nhiều mô hình đưa pháp luật vào cuộc sống đã được triển khai có hiệu quả như: Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Thanh niên với văn hóa giao thông”, “Khu phố không có thanh niên, vị thành niên mắc tệ nạn xã hội”, “Thôn, làng phụ nữ kiểu mẫu”, “Tuổi trẻ với pháp luật”...

Trong năm 2017, tỉnh đã chi trên 1 tỷ đồng để triển khai nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện hòa giải ở cơ sở. Đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thực hiện 46.769 đợt tuyên truyền pháp luật với 577.136 lượt người tham dự; tổ chức 12 cuộc thi pháp luật với 652 lượt người tham gia; cấp phát 184.419 tài liệu tuyên truyền các loại (trong đó có 36.365 tài liệu tiếng dân tộc thiểu số); phát sóng 3.021 bản tin, bài, phóng sự, chuyên mục trên đài truyền thanh cấp xã; đăng tải 5.529 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng khác; tổ chức 525 cuộc tuyên truyền cho 28.092 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang thông qua hình thức tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề.

Ngoài ra, Hội đồng Phối hợp Phổ biến Giáo dục Pháp luật còn tổ chức giới thiệu luật mới được Quốc hội thông qua, như: Luật Trẻ em, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tín ngưỡng-Tôn giáo... Đối với người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, các cơ quan tư pháp cũng đã tổ chức 73 buổi tuyên truyền cho 6.085 lượt người để hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về công tác hòa nhập cộng đồng… Đặc biệt, nhiều năm qua, Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ, tư vấn, bào chữa miễn phí cho người yếu thế (người tàn tật, hộ nghèo, gia đình neo đơn, phụ nữ, trẻ em…), hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách.

Có thể thấy, việc đưa pháp luật vào đời sống xã hội thể hiện rõ tư tưởng dân chủ và pháp quyền của nhà nước ta. Thượng tôn pháp luật chính là không phân biệt đối tượng, thành phần, tôn giáo... nhưng cũng không ai được phép đứng trên pháp luật. Tư tưởng pháp quyền xã hội chủ nghĩa là mục tiêu mà nhà nước ta đã và đang nỗ lực nhằm đưa đến quyền tự do, bình đẳng cho mỗi công dân.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm