(GLO)- Vừa qua, Đoàn Giám sát của HĐND TP. Pleiku đã tiến hành giám sát tình hình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn thành phố. Bà Đỗ Thị Nguyệt-Phó Chủ tịch HĐND TP. Pleiku, Trưởng đoàn Giám sát đánh giá: “Hiện 9/9 xã đã hoàn thành quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết giai đoạn 2011-2020. Tất cả các xã đều đạt tiêu chí về quy hoạch. Tiến độ triển khai và khối lượng hoàn thành cũng đạt kế hoạch đề ra”.
Theo đó, năm 2011, Ban Chỉ đạo chương trình đã phân bổ vốn đầu tư xây dựng NTM cho 9 xã trên địa bàn với tổng số vốn gần 1,6 tỷ đồng. Hiện khối lượng thực hiện đạt 100% kế hoạch (riêng xã Biển Hồ chưa hoàn thành thủ tục thanh toán 88 triệu đồng với Kho bạc Nhà nước). Năm 2012, Ban Chỉ đạo mới thống kê các hạng mục công trình đầu tư cho các xã trên địa bàn thành phố khoảng trên 59 tỷ đồng (chưa tính vốn phân bổ xây dựng đường làng đồng bào dân tộc thiểu số).
Chương trình làm đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” được người dân tích cực hưởng ứng. Ảnh: H.D |
Đến nay đã hoàn thành phân khai nguồn kinh phí chi cho phát triển NTM năm 2012 (900 triệu đồng) từ nguồn ngân sách của thành phố. Hiện xã đạt kết quả tốt nhất với 16/19 tiêu chí về xây dựng NTM là xã Trà Đa; xã tiếp theo là Biển Hồ với 14/19 tiêu chí; xã yếu nhất là Chư Á với 9/19 tiêu chí.
Kết quả đạt được là nhờ “Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM từ thành phố đến các xã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền cho người dân hiểu, tự giác tham gia chương trình. Qua tuyên truyền, người dân đã thể hiện được vai trò chủ thể của mình trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM”-Trưởng đoàn giám sát nhận xét. Qua đó, nhận thức của đa số cán bộ và người dân đã hiểu về tầm quan trọng của chương trình là phát triển nông thôn toàn diện, bền vững với mục đích nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn; hiểu được chương trình xây dựng NTM không phải là dự án xây dựng cơ bản mà đây là chương trình phát triển tổng hợp về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội.
Vì vậy, cộng đồng dân cư nông thôn ngày càng chủ động hơn trong việc quyết định thực hiện các công việc tại khu dân cư. Các chương trình, cuộc vận động như chương trình làm đường giao thông nông thôn theo phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với các tiêu chí xây dựng NTM… được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Cùng với việc phát huy hiệu quả các công trình được đầu tư trước đây và các công trình đầu tư cho nông thôn, cộng đồng dân cư, gia đình tự làm qua hàng năm đã làm cho diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.
Tuy nhiên, qua giám sát, một số hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện chương trình cũng được chỉ rõ và cần sớm khắc phục. Đó là phương pháp phổ biến, tuyên truyền theo báo cáo các xã là chưa đầy đủ nội dung, thiếu số liệu theo sổ tay hướng dẫn xây dựng NTM, chi bộ thôn, làng chưa tổ chức hội nghị để phổ biến tài liệu, thảo luận và lấy ý kiến tham gia xây dựng NTM; phân công đảng viên giúp đỡ một nhóm hộ nơi cư trú hoặc cụm dân cư khác để thực hiện; các thôn, làng chưa tổ chức cam kết các hộ trong việc thực hiện xây dựng NTM tại gia đình và tham gia đóng góp theo quy ước cộng đồng…
Một số cán bộ cũng vẫn chưa nắm rõ quy trình thực hiện, còn trông chờ, ỷ lại vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, chưa thật sự chủ động khi triển khai nhiệm vụ, dẫn đến chưa huy động tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các nguồn lực tại địa phương để triển khai thực hiện quyết liệt chương trình.
Và không thể không nói tới những nguyên nhân khách quan khiến chương trình gặp nhiều khó khăn như: nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực, nhưng cấp thực hiện là cấp xã, năng lực còn hạn chế, lúng túng. Các văn bản hướng dẫn của Trung ương, việc cụ thể hóa các nội dung chương trình của các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh còn chậm. Một số tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng NTM chưa thật sự phù hợp với đặc thù và điều kiện của thành phố.
Trưởng đoàn Giám sát cho rằng, ngoài khắc phục những hạn chế trên thì một số lĩnh vực đầu tư nên phân cấp cho cấp xã chủ động triển khai để sát với thực tế của địa phương. Tiếp tục đầu tư các mô hình khuyến nông phù hợp dành cho hộ nghèo và hộ cận nghèo. Vận dụng và tạo các điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các chính sách của tỉnh trong kêu gọi, thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn như: chợ, bưu điện…
Hà Duy