Xây dựng quan hệ bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều người trong chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi có nhiều tiền, có sức khỏe, công việc ổn định hay được yêu. Nhưng ít người nhận ra rằng, xây dựng quan hệ bền vững cũng góp phần không nhỏ vào việc mang lại cho chúng ta cảm giác hạnh phúc. Đó là những quan hệ với gia đình, hàng xóm, bạn bè, người yêu, đồng nghiệp, đối tác…

Thật may mắn khi ta sở hữu nhiều hơn một mối quan hệ tốt đẹp, ngoài mối quan hệ gia đình-sợi chỉ hồng xuyên suốt quá trình sống và trưởng thành của mỗi cá nhân. Và cũng phải thừa nhận rằng việc xây dựng hay hình thành một mối quan hệ vốn dĩ đã khó, việc nuôi dưỡng và vun đắp để chúng phát triển ngày một bền vững còn khó khăn bội phần. Tuy nhiên, khó chứ không phải là không thể. Chúng ta dễ dàng nhận ra xung quanh có nhiều người thành công, hạnh phúc nhờ có nhiều mối quan hệ chất lượng, bền vững. Vậy bí quyết cốt lõi của họ là gì?

 

Mỗi người một tay để xây dựng các mối quan hệ bền vững. (tranh minh họa: K.N.B)

1. Yêu quý chính mình

Nếu không tự yêu quý bản thân thì ai sẽ làm điều đó thay bạn? Yêu bản thân là điều kiện quan trọng để bạn biết yêu quý mọi người và được mọi người yêu quý. Chẳng hạn, bạn ăn mặc quá xuề xòa khi bước ra đường là bạn không tôn trọng người nhìn, “ăn cho mình, mặc cho người” là vậy. Bạn hay chê trách, tự ti về bản thân cũng sẽ dễ khiến cho người khác tin rằng bạn không tốt, không đáng được trân trọng. Dần dà, bạn tự đánh mất các mối quan hệ của bản thân vì ít ai thích kết giao với người tiêu cực, bi quan.

2. Lạc quan

Lạc quan là thỏi nam châm thu hút những điều tốt đẹp. Hẳn bạn sẽ thích kết thân với những người như vậy để được lan tỏa những cảm xúc tích cực, trái tim yêu đời, tràn đầy hy vọng và tự tin. Khi tiếp xúc với bạn, người ta cũng mong muốn những điều tương tự. “Bạn chẳng thể làm được điều gì mà thiếu đi hy vọng và sự tự tin” (Helen Keller).

3. Giao tiếp khéo léo

Giao tiếp là kỹ năng cần rèn luyện suốt đời vì đây là chất liệu quan trọng trong mọi cuộc tiếp xúc, mọi mối quan hệ. Muốn duy trì và phát triển mối quan hệ một cách bền chặt không cách gì tốt hơn là giao tiếp khéo léo. Nói và hành động đúng thời điểm, tác động đúng trung tâm dễ chịu của đối phương, tức là làm những điều khiến đối phương vui thích, hài lòng là thần dược quan trọng giúp giữ vững các mối quan hệ.  Khi bạn “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ” (Trác Nhã-tác giả quyển sách cùng tên).

4. Biết giữ ấm và hâm nóng

Rất nhiều lần, khi giảng dạy kỹ năng thiết lập mối quan hệ, tôi thường đặt câu hỏi: “Trong danh bạ điện thoại/trên Facebook của bạn có bao nhiêu số/bạn bè?”. Rất nhiều, trên trăm người-là câu trả lời thường thấy. Vậy, “bạn có liên lạc, hỏi thăm thường xuyên không? Có gặp gỡ họ ngoài đời trong khoảng 3-6 tháng nay không?”. Câu trả lời nghiêng về hướng “ít/không”. Điều đó đồng nghĩa bạn đã/chuẩn bị đánh mất đi nhiều mối quan hệ tốt đẹp mà bạn đang có, phá hủy công sức xây dựng trước đó của bạn. Việc duy trì các mối quan hệ đang có bao giờ cũng dễ dàng hơn là tạo dựng một mối quan hệ mới. Giữ ấm bằng việc nhắn tin hỏi thăm thân tình, “like, share, comment” trên Facebook của nhau với lời lẽ trân trọng. Hâm nóng bằng những cuộc hẹn cà phê, du lịch, đặt vấn đề hợp tác, làm ăn hay đơn giản là đến thăm nhà nhau…

“Chăm sóc một mối quan hệ giống như một công việc mà bạn chẳng bao giờ có thể nghỉ hưu. Khi bạn ngừng nỗ lực vì nó, nó ngừng hoạt động” (Tony Gaskins).  

5. Biết người

Ai cũng có nhu cầu được quan tâm, được hiểu và chia sẻ. Khi chúng ta dốc tâm tìm hiểu về sở thích, nhu cầu, tính cách của đối phương là lúc chúng ta biết được đâu là cách để duy trì mối quan hệ tốt đẹp mà mình đang có một cách bền chặt hơn. Điều này vừa thể hiện rằng bạn biết nhìn người, biết lắng nghe, cũng như vừa biết cách phản hồi và ứng xử tinh tế. Ai cũng mong gặp được những người như vậy!

6. Tôn trọng-tin tưởng

Mối quan hệ nào không được xây dựng trên nền tảng của sự tôn trọng và tin tưởng sẽ giống như lâu đài nguy nga lộng lẫy nhưng được xây trên cát. Đỗ vỡ là tất yếu. Tất cả những gì bạn cần làm để thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng người khác là chấp nhận họ như họ vốn là, cho họ biết họ quan trọng như thế nào với bạn. Kể cả đôi lúc bạn có đặt niềm tin sai đi nữa thì cũng đừng vội vàng kết luận, hãy tìm hiểu nguyên nhân, cải thiện hoặc đối phương sẽ tự cải thiện để xứng đáng với niềm tin của bạn. Dù sao, nếu mọi thứ không như bạn tưởng thì hãy luôn tin rằng tin tưởng ai đó vẫn sẽ tốt hơn là nghi ngờ…

Tony Robbins-diễn giả người Mỹ từng khẳng định:“Chất lượng cuộc sống là chất lượng của những mối quan hệ ta có”. Đúng vậy, để đánh giá mức độ thành công, hạnh phúc của mỗi cá nhân, người ta hoàn toàn có thể căn cứ vào chất lượng các mối quan hệ mà anh ta có. Do đó, trân trọng, xây đắp và phát triển bền vững các mối quan hệ trong cuộc sống không bao giờ là thừa hoặc uổng phí.

ThS Tâm lý Lê Minh Huân

Có thể bạn quan tâm