(GLO)- Xây dựng thương hiệu cà phê Gia Lai đang trở thành yêu cầu có ý nghĩa sống còn với ngành sản xuất cà phê của tỉnh. Tuy nhiên, việc này đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự chung tay phối hợp của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Phát triển thương hiệu tư nhân
Cùng với văn hóa uống cà phê, những thương hiệu cà phê rang xay tư nhân ở Gia Lai cũng dần được hình thành, phát triển. Lâu đời nhất có thể kể đến Thu Hà, Phiên Phương, Thanh Thủy, rồi đến Hồng Hải, Classic, Baka hay mới “nổi” gần đây như: L’amant, HD Gia Lai…
Xây dựng thương hiệu Cà phê Gia Lai không chỉ là nỗ lực từ doanh nghiệp mà cần có sự quan tâm của chính quyền. Ảnh: L.L |
Với bề dày lịch sử hơn 40 năm, Thu Hà không chỉ là thương hiệu cà phê uy tín, gắn bó đối với người dân Phố núi Pleiku mà đã vươn xa, khẳng định mình với thương hiệu quốc gia và đang dần tiến vào thị trường quốc tế. “Cà phê Thu Hà là tâm huyết của bao thế hệ người thân trong gia đình. Chính vì vậy, Thu Hà rất ý thức trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu và điều cốt lõi, quan trọng nhất vẫn là gìn giữ được chất lượng của cà phê. Từng khâu trong quá trình sản xuất, từ trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch cho đến chế biến, đóng gói… đều thực hiện theo quy trình khép kín, với những bí quyết gia truyền để tạo nên những giọt cà phê nguyên chất, thật vị như chính hình ảnh mà Thu Hà đã xây dựng lâu nay, đó là “Chân chất, mộc mạc và bình dị”-bà Nguyễn Thị Thu Hà-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Thu Hà, chia sẻ.
Bà Trần Thị Lan Anh-Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp: “Để cho ra mắt sản phẩm L’amant cafe, chúng tôi đã trăn trở trong thời gian rất dài. Hiện Vĩnh Hiệp đã đầu tư nông trại 45 ha theo tiêu chuẩn organic. Cà phê tại đây được trồng, bảo quản và chế biến trong điều kiện không dùng thuốc trừ sâu, với phương châm “From farm to cup”-đảm bảo sạch từ nông trại đến ly cà phê”. |
Nếu Thu Hà là một thương hiệu cà phê nguyên chất truyền thống thì HD Gia Lai lại được biết đến như một thương hiệu cà phê hữu cơ mới nổi trong tỉnh. Xuất phát là con nhà nông nên anh Nguyễn Hữu Duy-Giám đốc Công ty TNHH Cà phê HD Gia Lai không mấy khó khăn khi “biến” trang trại cà phê của gia đình và người thân (xã Ia Nhin, huyện Chư Pah) thành nguồn nguyên liệu hữu cơ phục vụ cho khâu chế biến của Công ty để tạo ra những ly cà phê sạch. Chia sẻ về quá trình sản xuất sản phẩm cà phê hữu cơ, anh Duy nói một cách đơn giản: “Sản phẩm hữu cơ hay organic đang là xu hướng hiện nay. Song sản phẩm đó có thực sự được sản xuất hữu cơ như quảng cáo hay không còn là vấn đề đáng bàn. Riêng với HD Gia Lai, sản xuất hữu cơ chính là làm đàng hoàng, sạch sẽ và an toàn. Và đây là tiêu chí mà HD Gia Lai chú trọng nhất trong quá trình xây dựng thương hiệu”.
Đến thành lập hiệp hội cà phê Gia Lai
Tuy tỉnh ta hiện có trên chục thương hiệu cà phê, song đến nay vẫn chưa có thương hiệu đủ lớn tạo sức mạnh đàm phán trên thương trường quốc tế. Vì vậy, chỉ khi Hiệp hội Cà phê Gia Lai được thành lập và kết nối các doanh nghiệp, từ đó xây dựng thương hiệu tập thể thì “giấc mơ” đưa cà phê Gia Lai ra thế giới mới có thể trở thành hiện thực.
Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu tập thể cà phê Gia Lai cũng cần được nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để triển khai xây dựng. Theo ông Trần Đông Lâm-Trưởng phòng Quản lý Chuyên ngành (Sở Khoa học và Công nghệ), thực hiện Công văn 428/UBND-NL của UBND tỉnh, tháng 3-2017, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức một hội nghị về xây dựng thương hiệu cà phê Gia Lai. Tuy nhiên, nhãn hiệu “Cà phê Gia Lai” do Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai đăng ký và sử dụng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp trước khi Luật Sở hữu trí tuệ ra đời. Vì vậy, nhãn hiệu này vẫn được bảo hộ cho Công ty Cà phê Gia Lai.
“Do đó, muốn đăng ký nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê mang tên địa danh “Gia Lai” thì phải có sự thỏa thuận đồng ý cho sử dụng (nhượng quyền) hoặc chuyển quyền sở hữu của chủ sở hữu nhãn hiệu “Cà phê Gia Lai”. Đồng thời, tiến hành thành lập Hiệp hội Cà phê Gia Lai để trở thành chủ thể đứng đơn đăng ký bảo hộ và điều hành, quản lý đối với nhãn hiệu tập thể “Cà phê Gia Lai” sau này, tương tự như trường hợp Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đã thực hiện”-ông Lâm nhấn mạnh.
Được biết, sau hội nghị này, Sở Khoa học và Công nghệ đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh chủ trì tổ chức cuộc họp, trong đó có Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai (do Công ty này không tham gia cuộc họp kể trên dù đã được mời) để thống nhất về việc sử dụng nhãn hiệu Cà phê Gia Lai theo đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Giám đốc Công ty Cà phê Classic: “Bây giờ, người tiêu dùng rất sành và rất chú trọng tới sức khỏe nên doanh nghiệp cà phê muốn tồn tại và phát triển thì cà phê sạch là lựa chọn tất yếu. Sản phẩm xuất khẩu cũng vậy, thị trường thế giới vô cùng khó tính và có những tiêu chuẩn rất cao. Do vậy, chúng tôi đã ký hợp đồng bao tiêu với Tổ hợp tác Sản xuất Cà phê bền vững Đoàn Kết theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Chư Á (TP. Pleiku) và một số tổ trồng cà phê sạch khác. Quy trình sản xuất cà phê sạch tại Công ty Cà phê Classic được thực hiện trên hệ thống dây chuyền được đầu tư đồng bộ . Quy trình này áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ quốc tế, chất lượng ISO cao nhất”. |
Lợi thế của tỉnh ta là vùng nguyên liệu cà phê rộng lớn, đặc biệt là vùng đất có thế mạnh trồng cà phê Robusta với hàm lượng cafein cao, được khách hàng ưa chuộng. Việc chưa thành lập Hiệp hội Cà phê và xây dựng thương hiệu tập thể về cà phê đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu cà phê, cũng như khai thác tối đa giá trị mang lại. Trong khi đó, thương hiệu cà phê Gia Lai lại thuộc về một doanh nghiệp, rất khó phát huy hết thế mạnh. Nếu Công ty này cùng liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành lập Hiệp hội thì lợi ích mang lại rất lớn, không chỉ là các doanh nghiệp mà hàng ngàn hộ nông dân trên địa bàn cũng được hưởng lợi.
Nhóm phóng viên