Kinh tế

Xây dựng thương hiệu cà phê Gia Lai-Kỳ 1: Nhập nhèm sạch-bẩn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mặc dù là vùng chuyên canh cà phê với diện tích lên đến gần 100 ngàn ha, sản lượng trên 212.000 tấn nhân/năm nhưng đến nay Gia Lai vẫn chưa xây dựng được thương hiệu tập thể về cà phê hay đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Để làm được điều này đòi hỏi sự nỗ lực từ người nông dân, doanh nghiệp cho đến các đơn vị, cơ quan chức năng.

Thói quen phổ biến

Uống cà phê từ lâu đã trở thành thói quen phổ biến trong đời sống xã hội. Gần như ai cũng... cà phê. Người thôn quê có thể tất bật chuyện đồng áng nhưng dân phố thị bận gì sáng cũng phải có ly cà phê. Hàng quán cà phê vì thế mọc lên mỗi ngày. Trước đây, người ta chỉ uống cà phê buổi sáng thì nay sáng, trưa, chiều, tối đều có thể cà phê.

 

Cà phê rang xay bằng máy đang được thị trường ưa chuộng. Ảnh: L.L
Cà phê rang xay bằng máy đang được thị trường ưa chuộng. Ảnh: L.L

Ở Pleiku, một số tuyến đường dày đặc quán cà phê. Với quán cà phê Thu Hà trên đường Nguyễn Thái Học, từ lúc chưa đầu tư cải tạo, nâng cấp đã rất đông đúc, bàn ghế kéo dài lấn sang cả phần sân Trung tâm Văn hóa-Thể thao TP. Pleiku. Một thời gian, quán này bị người dân phản ánh chuyện lấn chiếm lòng lề đường vì xe cộ tấp nập đậu đỗ gây mất trật tự. Đã thế, quán lại còn nằm gần quán phở gà Ngọc Sơn nổi tiếng, khách vào ra nườm nượp nên đoạn đường ngắn trở nên quá tải.

Từng thay đổi địa điểm nhưng cà phê Kim Liên (đường Tăng Bạt Hổ) vẫn là một cái tên được nhiều người biết đến. Mấy chục năm qua, quán vẫn cứ trung thành với “phong cách” cũ từ khung cảnh, bàn ghế, âm nhạc. Tuy nhiên, lượng khách thì cứ ổn định, thứ bảy, chủ nhật lại càng đông hơn. Quán không quá ồn ào, chủ yếu là người đứng tuổi. Người trẻ cũng có nhưng chuyện trò có vẻ ý tứ, nhỏ nhẹ. Trong thời buổi bon chen, xê dịch, Kim Liên là quán có lượng khách gắn bó lâu dài nhất.

Phát triển gần đây, một số quán cà phê trên đường Hoàng Hoa Thám bỗng “ăn nên làm ra”. Nơi này nằm ở vị trí trung tâm TP. Pleiku, gần nhiều cơ quan, đơn vị, cơ sở làm dịch vụ nên đông khách. Nhưng quan trọng là cà phê ngon. Giới “cò” bất động sản vẫn hay thường xuyên lui tới mấy quán này nghe ngóng tình hình, tìm đối tác.

Ngoài ra còn phải kể đến các quán như: Sê San (đường Trần Hưng Đạo-Hùng Vương), Thanh Thủy (đường Nguyễn Văn Trỗi), Vương Cát Trà (đường Thống Nhất), Phiên Phương (đường Tăng Bạt Hổ), Cung Đình (đường Lê Hồng Phong)... Nhiều quán lúc đầu rất đông khách nhưng sau ít dần, có quán còn mất luôn tên tuổi.

Vừa uống vừa lo

Hiện nay, Gia Lai có gần 100 ngàn ha cà phê, chủ yếu là cà phê vối (Robusta), diện tích cà phê chè (Arabica) rất ít, còn cà phê mít (Liberia) thì gần như biến mất. Tất cả cũng do năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế mà ra. Bởi chạy theo lợi nhuận mà sản phẩm cà phê hiện nay đặt ra rất nhiều vấn đề. Là cây trồng chiến lược, cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao nhưng còn quá ít cà phê sạch. Phần lớn cà phê sản xuất theo phương pháp cũ, còn phụ thuộc nhiều vào thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học. Quá trình sản xuất cà phê từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến... hầu hết đều chưa chú trọng đúng mức tồn dư hóa chất, thuốc trừ sâu; còn để ẩm mốc, hư hỏng với tỷ lệ rất lớn. Không quá lời khi nói rằng, lựa chọn cà phê sạch hiện nay là sự kiếm tìm rất ít căn cứ, dù một số doanh nghiệp cam kết sản xuất theo mô hình hữu cơ, VietGAP như: Vĩnh Hiệp, Thu Hà, Thanh Thủy...

Dù vậy, với dân ghiền, cà phê vẫn phải đều đều mỗi ngày. Hiện nay có quá nhiều loại cà phê để người dùng lựa chọn. Nhưng cà phê sạch, cà phê an toàn vẫn là lựa chọn khá xa xỉ đối với nhiều người. Một ly cà phê pha máy hiện có giá phổ biến là 15 ngàn đồng, có nơi 17-27 ngàn đồng/ly. Nó chênh lệch khá xa so với cà phê phin truyền thống với giá 8-12 ngàn đồng/ly. Hồi đầu cà phê pha bằng máy do lượng cafein cao nên nhiều người cảm thấy say, sau mới quen dần rồi ưa chuộng. Người dùng cà phê loại này đông dần lên mỗi ngày. Tất nhiên, cà phê phin truyền thống vẫn là lựa chọn số một hiện nay. Theo nhiều chủ quán, nó là sản phẩm của nhiều nhà rang xay trong tỉnh (cả từ TP. Hồ Chí Minh chuyển về), trộn lẫn để thu nhận nhiều hương vị. Nó được khách hàng chấp nhận do giá cả hợp túi tiền.

Nhóm phóng viên

Có thể bạn quan tâm