TN - Đất & Người

Xảy ra 22 trận động đất liên tiếp trong vòng 12 ngày tại tỉnh Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo các chuyên gia, động đất xảy ra tại huyện Kon Plông là động đất kích thích, xảy ra do hồ chứa thủy điện tích nước, song ít khi gây rủi ro thiên tai.
Động đất thường xuất hiện tại khu vực xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+

Động đất thường xuất hiện tại khu vực xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+

Liên tiếp từ đầu tháng 5/2023 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 22 trận động đất nhỏ (động đất kích thích) với độ lớn từ 2,5-4,0.

Thời điểm rạng sáng nay, 18/5, trên địa bàn huyện Kon Plông đã xảy ra 2 trận động đất. Phần lớn là các trận này có độ lớn dưới 4, ít khả năng gây rung chấn.

Theo thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), động đất xảy ra tại huyện Kon Plông là động đất kích thích, xảy ra do hồ chứa thủy điện tích nước gây áp lực lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới, khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.

Thống kê từ Viện Vật lý Địa cầu cho thấy từ tháng 4/2021 đến nay, tại huyện Kon Plông đã xảy ra hàng trăm trận động đất nhỏ. Trận động đất mạnh nhất có độ lớn 4,7 xảy ra chiều 23/8/2022, có gây rung chấn cho một số tỉnh lân cận.

Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, tại huyện Kon Plông xảy ra gần 80 trận động đất; trong đó có những ngày xuất hiện 3-4 trận, thậm chí có ngày lên tới 5 trận.

Theo giới chuyên gia, động đất tại khu vực huyện Kon Plông có thể tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng động đất cực đại ít khả năng vượt quá độ lớn 5,0.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết thông thường những trận động đất có độ lớn dưới 5 được xem là động đất nhỏ, ít khi gây rủi ro thiên tai.

Những trận động đất từ 5-6 độ trở lên là động đất trung bình, có nguy cơ xảy ra rủi ro thiên tai. Từ 6 trở lên là động đất lớn, nguy cơ rủi ro thiên tai rất cao.

Theo quy định, ủy ban nhân dân các cấp khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần phải bằng mọi hình thức thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn; bảo đảm an ninh, trật tự khu vực.

Khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn.

Có thể bạn quan tâm