TN - Đất & Người

Xây trường rồi… bỏ hoang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều nơi ở Tây Nguyên, giáo viên, học sinh còn chịu cảnh học nhờ ở hội trường thôn hoặc chen chúc tại các điểm trường lẻ cũ nát, thiếu thốn cơ sở vật chất. Trong khi đó, nhiều trường, điểm trường khác xây xong lại bỏ hoang nhiều năm.

Ðiểm Trường Tiểu học Thăng Trị bỏ hoang nhiều năm
Ðiểm Trường Tiểu học Thăng Trị bỏ hoang nhiều năm
Tại xã Dliê Yang (huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) có điểm Trường Tiểu học buôn Sék Điết được xây dựng cách đây hơn 20 năm nhưng chỉ sử dụng thời gian ngắn rồi bỏ hoang đến nay.
Điểm trường gồm 3 phòng học, được xây dựng trên phần đất rộng khoảng 5.000m2, nhằm phục vụ nhu cầu học tập của con em buôn Sék Điết và thôn 5, xã Dliê Yang. Tuy nhiên, khu vực này cách trung tâm xã gần 20km, lại thiếu hệ thống điện, nước, nhà vệ sinh... nên nhiều phụ huynh không chấp nhận đường xa, chở con đến các trường khác hoặc gửi về quê học tập.
Do lượng học sinh ít, điểm trường chỉ hoạt động được thời gian ngắn rồi đóng cửa, và trở nên hoang tàn. Bên ngoài, cây cỏ mọc um tùm, bên trong phòng học xuống cấp, mục nát nghiêm trọng.
Hiện, điểm trường được giao UBND xã Dliê Yang quản lý. Ông Ksơr Y Thông, Chủ tịch UBND xã này cho hay, sẽ xin chủ trương tu sửa, cải tạo điểm trường làm nơi sinh hoạt cộng đồng.
Tại Ðắk Nông có Trường THPT Phan Chu Trinh (phân hiệu 2, huyện Cư Jút) được xây dựng bề thế, kiên cố có tòa nhà 3 tầng với hàng chục phòng học cùng nhiều hạng mục khác. Tuy nhiên, ngôi trường này vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Theo tìm hiểu, trường được xây dựng vào năm 2009, do Sở GD&ÐT tỉnh Ðắk Nông làm chủ đầu tư. Ban đầu, ngôi trường có tên PTTH Ðào Duy Từ, về sau sáp nhập và trở thành phân hiệu 2 của Trường THPT Phan Chu Trinh. Do xa trung tâm, học sinh xin chuyển đi nơi khác, trường phải đóng cửa. Hiện Sở GD&ÐT tỉnh Ðắk Nông đã có văn bản gửi Sở Tài chính để tham mưu UBND tỉnh xử lý, có thể bàn giao cho UBND huyện Cư Jút quản lý, chuyển đổi công năng phù hợp.
Huyện Ea H’leo còn có Trường Mầm non Vàng Anh (thuộc xã Ea Nam) được xây xong từ năm 2018 nhưng chưa sử dụng. Công trình được xây dựng trên diện tích hơn 1.000m2 (gồm phòng học, nhà hiệu bộ, nhà bếp, nhà vệ sinh, đài nước, giếng khoan, hệ thống điện, hàng rào kiên cố) nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh tại buôn Ea War. Tuy nhiên, sau khi công trình hoàn thành thì một doanh nghiệp tài trợ cho xã Ea Nam một trường mầm non với quy mô lớn, với điều kiện phải bảo đảm đủ số lượng học sinh cho trường này. Đây là một trong những lý do từ khi xây xong đến nay Trường Mầm non Vàng Anh chưa thể đưa vào sử dụng.
Tại huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cũng có điểm Trường Tiểu học Thăng Trị (ở buôn Kmrơng, xã Hòa An) bị bỏ hoang hơn 10 năm qua. Điểm trường này có 3 phòng học, 1 phòng làm việc của giáo viên và nhà vệ sinh nhưng không có điện, nước sinh hoạt.
Ông Huỳnh Hồng- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, điểm trường trên xây dựng vào năm 2008, từ nguồn vốn Trung ương do Sở GD&ĐT làm đại diện chủ đầu tư. Thời điểm đấy, ông Hồng mới làm chuyên viên nên không biết rõ lý do chọn khu đất nằm giữa cánh đồng, xung quanh không có đường, người ở… để xây dựng trường. Sau khi xây xong, điểm trường được bàn giao cho UBND xã Hòa An và từ đó đến nay chưa một lần đưa vào sử dụng.
Trong khi đó, địa phương này còn nhiều điểm trường thiếu thốn cơ sở vật chất, cần ưu tiên vốn đầu tư. Đáng chú ý, nhiều năm qua, Trường mẫu giáo Hoa Lan (xã Ea Phê) phải mượn tạm hội trường thôn để học.
Tại xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) cũng có 2 điểm trường, gồm điểm Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (buôn Niêng 3), điểm Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (thôn M’Thar 3) xây xong nhiều năm nhưng không thể sử dụng vì xa khu dân cư. Sau nhiều lần kiến nghị, 2 điểm trường trên mới được giao về UBND xã để chuyển đổi công năng làm hội trường thôn, buôn.
Theo HUỲNH THỦY (TPO)

Có thể bạn quan tâm