Kinh tế

Xây xong để… ngắm !

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường, từ năm 2006 đến nay, bằng nhiều chương trình lồng ghép như 134, 135, ADB… huyện Krông Pa được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Thế nhưng, qua đợt giám sát của HĐND huyện vừa qua cho thấy, phần lớn các công trình đã không hoạt động phục vụ được nhân dân. Có nhiều công trình rơi vào tình trạng hư hỏng nặng.

 

Ảnh: Lam Giang
Ảnh: Lam Giang

Năm 2006, khi chuyển về làng mới, buôn Sai, xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa) được Nhà nước đầu tư hơn 2,7 tỷ đồng từ Chương trình 134 và 135 để xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt phục vụ gần 200 hộ dân trong buôn, gồm: giếng khoan sâu 100 mét; đài nước cao 10 mét; bồn i-nox có dung tích 10 mét khối và hệ thống đường ống dài gần 2.000 mét.

Tuy nhiên, do nguồn nước lấy từ công trình về có màu vàng, mùi hôi nên bà con không uống được. Vì vậy sau một thời gian ngắn, hệ thống này đã dừng hoạt động và bị bỏ hoang từ đó đến nay. Hiện tại, các đầu van của máy bơm cũng như khóa van dẫn nước lên bồn đã bị rỉ sét, hệ thống điện đã bị hư hỏng hoàn toàn, trong khu vực công trình cây cối, cỏ mọc um tùm. Chị Nay H’Gút- một người dân buôn Sai, nói: “Nhà nước làm cho cái giếng khoan, nước nó đỏ ngầu không dùng được. Bây giờ chúng tôi đề nghị Nhà nước đầu tư lại giếng khoan cho tốt hơn để bà con có thể sinh hoạt được”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Vinh- Phó Chủ tịch UBND xã Chư Ngọc, cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến công trình bị bỏ hoang, không hoạt động nhiều năm qua là do người dân không dùng được nước từ công trình này. Mặc dù khi chưa có điện lưới, huyện đã đầu tư hơn 5 triệu đồng để trang bị máy nổ phát điện bơm nước cho nhân dân.

Tuy nhiên, cũng chỉ sử dụng giếng nước được thời gian 2 tháng từ khi lắp đặt. “Hiện, UBND xã đang đề nghị các ngành, các cấp của huyện, của tỉnh cân đối nguồn vốn đầu tư đường ống từ hệ thống nước buôn Thức sang buôn Sai vì hệ thống cấp nước của buôn Thức mới được đầu tư, nước tại đây bà con dùng tốt, đồng thời nếu sửa chữa hệ thống cấp nước của buôn Sai thì cũng phải di dời về gần nơi dân cư, hệ thống quá cách xa khu dân cư gây khó khăn trong công tác quản”- ông Vinh nói.

Không chỉ có giếng nước ở buôn Sai-xã Chư Ngọc mà trên địa bàn huyện Krông Pa còn có rất nhiều giếng nước khác cũng ở vào tình trạng như vậy. Trước thực trạng các hệ thống nước sinh hoạt được đầu tư không phát huy tác dụng, HĐND huyện đã tổ chức đoàn giám sát về hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt tại 2 xã Chư Ngọc và Chư Gu.

Trao đổi với chúng tôi về kết quả của đợt giám sát, ông Mai Xuân Tuân- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện, cho biết: Cho đến tháng 6-2013 thì trên địa bàn huyện có 60 hệ thống cấp nước sinh hoạt bằng giếng khoan, 149 giếng đào, có những hệ thống cấp nước có số vốn đầu tư lớn, trên dưới 3 tỷ đồng như công trình buôn Lang, buôn Sai-xã Chư Ngọc; hệ thống cấp nước thôn Đông Phú 1-xã Ia Rsiươm.

Tổng số vốn đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện là trên 150 tỷ đồng. Tại xã Chư Ngọc có 4 công trình, tổng số vốn đầu tư gần 7 tỷ đồng, nhưng cho đến thời điểm HĐND giám sát cho thấy: Trong số 4 công trình thì chỉ có 25 hộ dân được sử dụng nước từ các công trình này; xã Chư Gu có 8 công trình thì chỉ có 2 công trình hoạt động, còn lại là dừng hoạt động. Các xã khác như Ia Rmok, Ia DHdeh cũng rơi vào tình cảnh tương tự…

Cũng theo ông Mai Xuân Tuân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các  công trình dừng hoạt động, nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là chất lượng công trình và chất lượng nước không bảo đảm, ngoài ra ý thức của nhân dân chưa cao trong vấn đề sử dụng nước như không đóng tiền nước để trả tiền điện dẫn đến các công trình cấp nước bị cắt điện. Các công trình để lâu không sử dụng vì cắt điện thì đẫn đến hư hỏng, như công trình cấp nước buôn Sai-xã Chư Ngọc là điển hình.

Ông Mai Xuân Tuân nói: “Chúng tôi sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa chữa nâng cấp một số công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện. Để rót đồng tiền vào có hiệu quả đích thực thì yêu cầu các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải vào cuộc để đánh giá chất lượng các công trình. Công trình nào được tiếp tục sửa chữa nâng cấp thì đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm, còn công trình nào thuộc về xã hội hóa thì động viên nhân dân tự quản để phát huy các công trình ở tại địa phương”.

Để người dân sử dụng nước từ các công trình cấp nước được Nhà nước đầu tư và tránh để tình trạng lãng phí, thất thoát do các công trình không hoạt động, rất cần có sự vào cuộc của chính quyền cùng các ban ngành địa phương, nhằm vận động người dân chung tay đóng góp để duy tu, sửa chữa những công trình đã bị hư hỏng. Có như vậy, sự đầu tư của Nhà nước mới đem lại hiệu quả thiết thực.

Lam Giang

Có thể bạn quan tâm