TN - Đất & Người

Xe tăng 377 và những chiến công vang dội ở chiến trường Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, nơi đang lưu giữ xe tăng T59 số hiệu 377, là bảo vật quốc gia có ý nghĩa giáo dục sâu sắc truyền thống cách mạng đối với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Xe tăng 377 được huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum lưu giữ, bảo quản và trưng bày dưới chân Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh - Ảnh: VGP/Dương Nương

Xe tăng 377 được huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum lưu giữ, bảo quản và trưng bày dưới chân Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh - Ảnh: VGP/Dương Nương

Xe tăng T59 số hiệu 377 thuộc Trung đội 3, Đại đội 7, Tiểu đoàn 297, Mặt trận Tây Nguyên, nay thuộc Quân đoàn 3. Sau khi góp phần làm nên chiến thắng trên mặt trận Đường 9 Nam Lào, kíp tăng 377 tiếp tục tham gia chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972. Xe tăng 377 tham gia trận đánh Căn cứ E42 Tân Cảnh và Căn cứ Đăk Tô 2.

Trước sức mạnh hỏa lực của quân thù, kíp tăng 377 đã anh dũng dẫn đầu bắn sập đài quan sát trên tháp nước, cùng bộ binh tấn công vào sở chỉ huy cứ điểm Đăk Tô-Tân Cảnh. Với hiệu suất 1 chọi 10, kíp tăng 377 đã làm nên những kỳ tích, góp phần làm thay đổi cục diện ở chiến trường Tây Nguyên.

Ngày 24/4/1972, trong lúc chiến đấu, xe tăng 377 bị trúng đạn bốc cháy, cả kíp tăng 377 gồm 4 chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, tiêu diệt 7 xe tăng M41 của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng với các lực lượng khác giải phóng hoàn toàn Đăk Tô-Tân Cảnh. Đây là chiếc xe tăng lập kỷ lục chiến đấu cao nhất trong một trận đánh của lực lượng tăng-thiết giáp.

Thiếu tá Lại Hợp Phường, nguyên Huyện đội phó Huyện đội Đăk Tô, nhớ lại: "Tôi rất vinh dự được tham gia trận đánh lớn ở Đăk Tô-Tân Cảnh từ năm 1972. Tôi tham gia ở hướng Bắc, khi từ Đăk Mốt (địa danh Đăk Mốt nay thuộc huyện Ngọc Hồi) đến trận địa này vào khoảng 7h30' – 8h30' phút, thì chúng tôi gặp xe tăng 377.

Lúc đó anh em đang đưa liệt sĩ khỏi khu vực trận địa, thì tận mắt nhìn thấy 5 xe tăng của địch bị xe tăng 377 của ta bắn cháy và 1 trận địa ĐKZ, 1 trận địa cối và 2 lô cốt của địch bảo vệ sân bay đều bị xe tăng 377 tiêu diệt, đồng đội xung phong làm chủ trận địa. Tôi chưa thấy có 1 xe tăng nào liền 1 lúc hạ được 9 mục tiêu như xe 377. Kíp xe lập được quá nhiều thành tích".

Xe tăng 377 cùng thời điểm đã hạ nhiều mục tiêu, lập kỷ lục chiến đấu cao nhất trong một trận đánh của lực lượng tăng-thiết giáp - Ảnh: VGP/Dương Nương

Xe tăng 377 cùng thời điểm đã hạ nhiều mục tiêu, lập kỷ lục chiến đấu cao nhất trong một trận đánh của lực lượng tăng-thiết giáp - Ảnh: VGP/Dương Nương

Với chiến công vang dội, ngày 9/1/2009, Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân kíp xe tăng 377. Đến hôm nay, xe tăng 377 được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Tô lưu giữ, bảo quản và trưng bày dưới chân Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh.

Ngày 30/01/2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 41/QĐ-TTg công nhận bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022) đối với 27 hiện vật, nhóm hiện vật của các tỉnh, thành trong cả nước; trong đó có xe tăng T59 số hiệu 377 (niên đại năm 1972), hiện lưu giữ tại UBND huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.

"Việc xe tăng 377 được công nhận là bảo vật quốc gia, không chỉ với bản thân tôi mà đối với nhân dân của huyện Đăk Tô, của tỉnh Kon Tum và toàn lực lượng vũ trang đầu thấy rất tự hào, đúng như ước mong, nguyện vọng bấy lâu", cựu chiến binh Lại Hợp Phường nói.

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Long, 76 tuổi, tổ 4, khối phố 3, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô cho hay: "Xe tăng 377 là hiện vật quý, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc truyền thống cách mạng. Tuy nhiên, hiện bên trong xe tăng không còn nguyên vẹn. Tôi đề nghị nên sửa sang lại bên trong xe tăng để giáo dục truyền thống anh hùng, dũng cảm, bất khuất của dân tộc ta đối với thế hệ mai sau".

Có thể nói, việc công nhận xe tăng 377 là bảo vật quốc gia có ý nghĩa giáo dục sâu sắc truyền thống cách mạng đối với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Đây là vật chứng xác thực ghi dấu chiến công to lớn của quân dân ta trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; là hiện vật quý, độc bản, có giá trị ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc. Qua đó góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Có thể bạn quan tâm