Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Xem xét đóng cửa một số sân bay do bão Yagi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bộ GTVT vừa gửi đi Công điện về việc tập trung ứng phó với cơn bão số 3 (tên quốc tế Yagi) trên Biển Đông.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến khoảng chiều 6.9, bão số 3 sẽ đạt cường độ mạnh nhất là cấp 15, 16 (cấp siêu bão), gây mưa to, gió mạnh ở nhiều tỉnh miền Bắc

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến khoảng chiều 6.9, bão số 3 sẽ đạt cường độ mạnh nhất là cấp 15, 16 (cấp siêu bão), gây mưa to, gió mạnh ở nhiều tỉnh miền Bắc

Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam được giao chỉ đạo các Đài thông tin Duyên hải tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thường xuyên cập nhật, xử lý thông tin và thông báo kịp thời diễn biến, hướng di chuyển của bão cho tàu thuyền biết để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Cùng với đó, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm Cứu nạn hàng hải Việt Nam khẩn trương điều động các tàu SAR đến trực chốt ở các vị trí dự kiến có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất để hỗ trợ địa phương ứng phó với bão số 3 và chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.

Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các cảng vụ hàng hải tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn, không để sót tàu thuyền trong vùng nguy hiểm và có các biện pháp đảm bảo an toàn về người, phương tiện khi có tình huống xảy ra.

Về đường bộ, Cục Đường bộ có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị chủ động tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực sẵn sàng khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ; các khu quản lý đường bộ chủ trì phối hợp với Sở GTVT, lực lượng chức năng của địa phương tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở… "Kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ" - Bộ GTVT chỉ đạo.

Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt... chủ động tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả mưa, lũ và đảm bảo giao thông thông suốt, phải đảm bảo an toàn cho người.

Bên cạnh đó, ngành đường sắt phải có phương án dừng tàu trong khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước có sự cố tai nạn do bão gây ra, có phương án chuyển tải hành khách trong trường hợp đường sắt bị sự cố, đặc biệt là các tàu khách trên tuyến Hà Nội - TP.HCM

Trong khi đó, Bộ yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam căn cứ vào tình hình diễn biến của bão để xem xét chỉ đạo các cảng vụ đường thủy nội địa không cấp phép cho tàu rời cảng đến hoặc đi qua khu vực bị ảnh hưởng của bão.

Đặc biệt, Cục Hàng không Việt Nam được giao chỉ đạo các hãng hàng không, Công ty bay dịch vụ hàng không theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để điều chỉnh kế hoạch hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối hoạt động bay. "Căn cứ vào tình hình diễn biến của bão để xem xét dừng khai thác tại một số sân bay nằm trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3" - công điện của Bộ GTVT nêu rõ.

Theo Hà Mai (TNO)

Có thể bạn quan tâm