Kinh tế

Xen canh cây trồng mang lại hiệu quả cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày 7-5, Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai đã tổ chức cho 200 nông dân tại 9 huyện, thành phố tham quan mô hình trồng xen sầu riêng vào hồ tiêu và cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Lập (làng Hrak, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang). Hoạt động này nhằm giúp nông dân học hỏi kinh nghiệm trồng xen canh các loại cây trồng để áp dụng vào thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Hiệu quả mô hình xen canh
Năm 2006, từ Đak Lak, gia đình ông Nguyễn Văn Lập chuyển đến làng Hrak (xã Đak Djrăng) sinh sống. Tại đây, gia đình ông mua 5 ha đất trồng cà phê và hồ tiêu rồi xen canh thêm 450 cây sầu riêng. Để cây trồng phát triển tốt, ông đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước cho từng loại cây. Đồng thời, ông chủ động tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây từ nhiều nguồn để áp dụng vào thực tiễn.
Ông Lập cho hay: “Làm nông nghiệp không biết cây nào được giá, cây nào mất giá. Vì vậy, năm 2006, tôi quyết định trồng 3 loại cây này cùng một lúc để nếu có rủi ro thì lấy nguồn thu từ cây này bù cây khác. Đến nay, cả 3 loại cây trồng đều tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, khi hồ tiêu và cà phê mất giá thì cây sầu riêng trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình”. Theo ông Lập, năm 2016, gia đình ông thu được 200 triệu đồng từ 450 cây sầu riêng. Đến năm 2017, con số này tăng lên, đạt 500 triệu đồng. Đặc biệt, trong năm 2018, gia đình ông thu được 34 tấn sầu riêng, bán với giá 85.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt 3 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với thu nhập từ hồ tiêu và cà phê.
 Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng. Ảnh: N.D
Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng. Ảnh: N.D
Khuyến khích nông dân làm theo
Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh hiện có khoảng 712 ha sầu riêng, chủ yếu trồng xen canh trong vườn cà phê và hồ tiêu. Một nửa diện tích này đã bước vào kinh doanh, số còn lại đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, hứa hẹn trong thời gian tới sẽ mang lại nguồn thu ổn định cho nông dân.
Tham quan mô hình xen canh của gia đình ông Lập, ông Vũ Văn Lâm (thôn 2, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa) cho biết: “Gia đình tôi cũng trồng xen canh 300 cây sầu riêng vào 2 ha hồ tiêu từ năm 2008. Năm vừa rồi, tôi thu được 1,2 tỷ đồng từ bán sầu riêng. Trồng sầu riêng không cần nhiều vốn, cũng không cần nhân công chăm sóc như các loại cây trồng khác mà chỉ đầu tư béc tưới nước khoảng 100 triệu đồng. Khi cây bắt đầu ra hoa, chỉ tập trung điều chỉnh sinh lý để cây kết trái đồng loạt”. Tương tự, ông Đào Văn Chủy (thôn Tung Blai, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng xen canh 200 cây sầu riêng vào vườn cà phê làm nhiều đợt khác nhau. Năm vừa rồi, có 60 cây cho thu hoạch được 9 tấn, bán với giá 50.000 đồng/kg, thu được 450 triệu đồng, chưa kể quả chín lai rai bán cho người dân xung quanh. Trồng sầu riêng xen canh cà phê cho hiệu quả kinh tế cao khi cả 2 loại cây đều mang lại nguồn thu nhập ổn định”.
Tại buổi tham quan mô hình trồng xen canh của gia đình ông Lập, nhiều nông dân đặt câu hỏi về kỹ thuật trồng, chăm sóc để đảm bảo các loại cây đều sinh trưởng, phát triển tốt. Đại diện các đơn vị của Sở Nông nghiệp và PTNT và các chuyên gia đã giải đáp những thắc mắc này, đồng thời hướng dẫn cách chọn giống, trồng cũng như chăm sóc để người dân áp dụng trồng xen canh cây sầu riêng với cây cà phê, hồ tiêu.
Trao đổi với P.V, ông Trịnh Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-cho hay: Mô hình trồng xen canh của hộ nông dân Nguyễn Văn Lập rất tốt, trồng đúng mật độ, sử dụng 3 hệ thống tưới độc lập cùng lúc cho 3 loại cây trồng, việc chăm sóc cũng rất khoa học và hiện đại nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đang thực hiện tái canh cà phê. Vì vậy, nhiều mô hình xen canh như thế này đã bắt đầu xuất hiện.
Hiệu quả kinh tế từ trồng xen canh sầu riêng trong vườn cà phê, hồ tiêu đã được khẳng định. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích sầu riêng ồ ạt để đề phòng rủi ro. Đặc biệt, khi trồng, nông dân cần chọn cây giống có nguồn gốc rõ ràng. Nông dân cũng nên trồng xen các loại cây trồng thay vì độc canh nhằm hạn chế rủi ro, tăng thu nhập. Đồng thời, cần hướng đến sản xuất có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị nông sản.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm