Kinh tế

Xếp hạng DDCI Gia Lai năm 2021: Khoảng cách được rút ngắn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 3 năm triển khai, bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) đã trở thành thước đo tạo sự cạnh tranh về chất lượng trong điều hành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Rút ngắn khoảng cách điểm số giữa các sở, ngành

Bảng đánh giá xếp hạng DDCI của tỉnh năm 2021 cho thấy, điểm số trung vị nhóm sở, ban, ngành lần này là 69,37 điểm. Trong đó, các chỉ số thành phần, doanh nghiệp (DN) đánh giá khá cao là chỉ số chi phí thời gian với trung vị đạt 7,44 điểm; cạnh tranh bình đẳng có điểm trung vị thấp nhất là 6,04 điểm. Bảo hiểm Xã hội tỉnh có điểm số cao nhất trong các sở, ban, ngành với 71,17 điểm. Trong 8 chỉ số thành phần được đánh giá của đơn vị, chỉ số hỗ trợ DN có thứ hạng 1/18 trong nhóm và 2 chỉ số tính minh bạch, chi phí không chính thức cùng xếp ở vị trí 2/18. Xếp sau Bảo hiểm Xã hội tỉnh lần lượt là Sở Kế hoạch và Đầu tư (71,08 điểm) và Sở Thông tin và Truyền thông (70,95 điểm). 2 chỉ số thành phần có vị thứ cao của Sở Kế hoạch và Đầu tư là chi phí thời gian và vai trò người đứng đầu cùng có vị thứ 1/18 trong nhóm sở, ban, ngành.

 Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đức Thụy


Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho hay: “Để có được những kết quả đó, Sở đã tập trung các giải pháp mang tính đột phá như: tiếp tục rà soát, nghiên cứu, cải cách quy trình để cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư so với quy định; tổng hợp những bất cập, vướng mắc về các lĩnh vực quản lý ngành để đề xuất UBND tỉnh kiến nghị với trung ương, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung. Nghiên cứu, thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành và thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm tăng nhanh số lượng DN đăng ký thành lập mới, giảm tỷ lệ DN giải thể, dừng hoạt động. Cùng với đó, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, Sở tổ chức hội nghị gặp mặt DN, hợp tác xã (HTX) để kịp thời nắm bắt nguyện vọng và tháo gỡ những khó khăn”.

Kết quả đánh giá chỉ số DDCI năm 2021 cho thấy các đơn vị đã có những nỗ lực để cải thiện về chất lượng điều hành. Một số đơn vị vẫn có mức giảm điểm nhẹ nhưng khoảng cách khá sát nhau. Điều này đã tạo được động lực để các đơn vị làm tốt hơn nữa công tác điều hành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN, nhất là đối với 3 đơn vị đang có vị trí thấp nhất trên bảng xếp hạng là Cục Thi hành án dân sự (67,38 điểm), Cục Quản lý thị trường (67,35 điểm) và Sở Tài nguyên và Môi trường (66,93 điểm).

Các địa phương nỗ lực cải thiện vị trí

Kết quả khảo sát DDCI nhóm cấp huyện cho thấy trung vị điểm số tổng hợp là 61,44 điểm. Trong 8 chỉ số thành phần thì chỉ số có trung vị cao nhất là hỗ trợ DN với 6,61 điểm; tính năng động là chỉ số có trung vị thấp nhất với 6,01 điểm. Điều này cho thấy dư địa cải thiện ở các chỉ số là khá rộng. Thị xã An Khê đứng đầu nhóm cấp huyện với điểm số tổng hợp là 70,63 điểm. Các địa phương có vị thứ xếp hạng cao tiếp theo lần lượt là TP. Pleiku với 68,02 điểm; Đak Pơ 67,86 điểm.

Trong 17 địa phương được khảo sát, có 13 địa phương có điểm số DDCI tổng hợp tăng so với năm 2020, trong đó, TP. Pleiku, huyện Chư Pưh và huyện Phú Thiện có điểm số DDCI tổng hợp tăng cao nhất lần lượt là 4,84 điểm, 4,61 điểm và 4,42 điểm. Một số địa phương mặc dù đã có những nỗ lực cải thiện về chất lượng điều hành nhưng tỷ lệ DN đánh giá tích cực về đơn vị không cao bằng năm trước. 4 địa phương có điểm DDCI tổng hợp giảm là Ia Pa, Krông Pa, Chư Prông và Ayun Pa.

 Doanh nghiệp cần được hỗ trợ để cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Hà Duy
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ để cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Hà Duy


Thành phố Pleiku được ghi nhận có sự nỗ lực vượt bậc trong cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng DDCI. Năm 2020, Pleiku xếp thứ 6 thì năm 2021 đã vươn lên vị trí thứ 2. Chủ tịch UBND thành phố Đỗ Việt Hưng cho biết: Thành phố đã nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, hạn chế thấp nhất tỷ lệ hồ sơ trễ hạn trong mọi lĩnh vực nhằm giảm thời gian đi lại và nâng cao sự hài lòng của người dân, DN. Đặc biệt là tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính. Trên bảng kết quả khảo sát DDCI năm 2021 của TP. Pleiku, 2 chỉ số thành phần là tính minh bạch và thiết chế pháp lý có vị thứ cao nhất trong nhóm cấp huyện với 94,7% DN được hỏi đánh giá khá tích cực về tính kịp thời trong việc cung cấp thông tin; 94,4% DN được hỏi đánh giá tích cực về việc thực thi văn bản pháp luật.

3 địa phương có điểm số DDCI tổng hợp thấp trong nhóm cấp huyện là Mang Yang, Phú Thiện và Chư Păh với điểm số lần lượt là 57,33 điểm, 56,42 điểm và 55,48 điểm. Mặc dù có các vị thứ không cao trong nhóm nhưng mức điểm chênh lệch giữa 3 địa phương này với các địa phương khác là không nhiều. Tuy nhiên, 3 địa phương này có điểm số DDCI tổng hợp tăng so với năm trước. Có thể thấy xu hướng cải thiện khá tích cực các địa phương.

Ông Đậu Anh Tuấn-Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: “Nếu trước đây, nội dung khảo sát DDCI tập trung vào chất lượng của bộ phận một cửa và thủ tục hành chính thì lần này Gia Lai còn bổ sung những câu hỏi đánh giá về hiệu quả của các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN; nhận định về các hoạt động đổi mới, thử nghiệm áp dụng công nghệ mới, thúc đẩy chuyển đổi số, chính quyền số tại các sở, ban, ngành và địa phương. Đây là nguồn thông tin hữu ích giúp nhóm nghiên cứu có thể đề xuất những giải pháp phù hợp để hỗ trợ cộng đồng DN, HTX và hộ kinh doanh của tỉnh”. Cũng theo ông Tuấn, để tiếp tục nâng cao chỉ số DDCI, các sở, ngành và địa phương cần tiếp tục hỗ trợ DN, HTX và hộ kinh doanh trong bối cảnh vẫn còn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể là triển khai các giải pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền; hỗ trợ về lao động, chuyển đổi số và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

 

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm