Giáo dục

Tuyển sinh

Xét học bạ khi tuyển ngành y dược: Chưa ổn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều trường đào tạo y dược thông báo xét tuyển ngành y khoa bằng học bạ, gây lo lắng về chất lượng đầu vào của khối ngành đặc thù này.

Hiện cả nước có gần 70 trường đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, trong đó có khoảng 30 trường đào tạo ngành y khoa. Cũng như nhóm ngành sư phạm, các trường có đào tạo nhóm ngành sức khỏe khi tuyển sinh phải bảo đảm ngưỡng chất lượng đầu vào. Dù vậy, các chuyên gia giáo dục vẫn hoài nghi về chất lượng thật của kết quả học bạ.

Rầm rộ tuyển nhiều chỉ tiêu từ điểm học bạ

Trường ĐH Y Dược - ĐH Thái Nguyên năm nay tuyển 600 sinh viên ngành y khoa, trong đó 120 chỉ tiêu được xét bằng học bạ. Trường sử dụng 3 tổ hợp gồm B00 (toán, hóa, sinh), D07 (toán, hóa, Anh) và B08 (toán, sinh, Anh). Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình học tập 6 học kỳ của 3 môn và điểm ưu tiên. Trường cộng 0,25-1 điểm với thí sinh có giải học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Ngoài ra, trường này cũng xét 60 chỉ tiêu bằng đề án riêng cho những thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.5 trở lên cùng học lực giỏi 3 năm, hoặc học sinh chuyên toán, hóa, sinh, có giải khuyến khích cấp tỉnh một trong 3 môn này, đạt học lực giỏi 3 năm.

Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương xét tuyển ngành y khoa bằng phương thức kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với học bạ. Điều kiện là thí sinh phải có chứng chỉ IELTS 6.0 hoặc TOEFL iBT từ 60/120 điểm trở lên, cùng học lực 3 năm loại giỏi, điểm trung bình 6 kỳ của 2 môn toán - hóa, toán - lý hoặc toán - sinh từ 8 trở lên.

Trường ĐH Phenikaa cũng thông báo xét tuyển học bạ vào ngành y khoa, điểm xét tuyển dựa vào học bạ lớp 11 và học kỳ I lớp 12 với các môn trong tổ hợp. Để đăng ký xét tuyển, thí sinh phải có học lực lớp 12 đạt loại giỏi, đồng thời tổng điểm trung bình cộng các môn trong tổ hợp từ 24 trở lên.

Tại TP HCM cũng như các tỉnh phía Nam, bên cạnh những cơ sở đào tạo chuyên về khối ngành sức khỏe như Trường ĐH Y Dược TP HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Khoa Y - ĐHQG TP HCM… thì còn có nhiều trường ĐH tuyển sinh các ngành khối sức khỏe như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Công nghệ TP HCM…

Trong khi các trường ĐH công lập đào tạo chuyên ngành y có uy tín lâu nay chỉ xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT và tỉ lệ nhỏ chỉ tiêu xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp kết quả học tập… thì nhiều trường ĐH, đặc biệt là trường ĐH ngoài công lập, đẩy mạnh tuyển sinh bằng điểm học bạ.

Đại diện tuyển sinh của một trường ĐH tư thục có tuyển sinh nhóm ngành sức khỏe cho biết nhóm ngành này đang tuyển sinh rất tốt nên dễ hiểu khi các trường mở nhiều ngành đào tạo về sức khỏe. Trong các phương thức xét tuyển, các trường ngoài công lập tuyển tốt chủ yếu từ học bạ.

Học sinh tìm hiểu thông tin một số trường tư có đào tạo khối ngành sức khỏe. Ảnh: HẢI ĐỊNH

Học sinh tìm hiểu thông tin một số trường tư có đào tạo khối ngành sức khỏe. Ảnh: HẢI ĐỊNH

Cần một kỳ thi riêng

Việc một số trường đào tạo ngành y dược tuyển sinh bằng hình thức xét điểm học bạ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho học sinh có điểm học bạ khá giỏi vào học trong ngành này.

Tuy nhiên, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, điều e ngại là chất lượng thực của việc đánh giá học lực học sinh ở các trường THPT, khi mà lạm phát điểm ở trường phổ thông chưa có dấu hiệu chấm dứt và những điểm đó chưa chắc đã đánh giá đúng thực lực của học sinh. "Điều này có thể gây ra hệ lụy hoặc học sinh không theo học được và bỏ học nếu trường ĐH kiểm soát chất lượng đào tạo chặt và người học sẽ mất thời gian và tiền học phí cao ngất ngưởng. Hơn nữa, thời gian qua nhiều trường ĐH mở ngành y dược trong lúc đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm thiếu thốn, cơ sở thực tập ở bệnh viện lớn bị thiếu chỗ. Tôi e rằng chất lượng sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng các cuộc sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề sau này. Vì thế, trước khi đăng ký vào học trường nào thuộc ngành y dược, thí sinh và gia đình cần cân nhắc sức học, điều kiện tài chính và đặc biệt là uy tín chất lượng của những trường y dược qua đội ngũ bác sĩ đã tốt nghiệp ở các trường đó" - ông Vinh nêu ý kiến.

Trước đó, phản hồi băn khoăn việc nhiều trường đại học thông báo xét tuyển bằng kết quả học bạ trong khi phương thức xét tuyển này vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng dễ xảy ra tình trạng "làm đẹp học bạ", không bảo đảm công bằng cho thí sinh, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT, cho rằng kết quả học tập ở bậc THPT là một trong các kênh thông tin quan trọng để đánh giá năng lực, khả năng học tập, tiếp thu kiến thức và triển vọng tiếp tục học tập ở các bậc học cao hơn. Đối với các trường ĐH, các ngành đào tạo có mức độ cạnh tranh cao, các trường cần có sự đối sánh công bằng, cần một mặt bằng chung tin cậy ở mức cao để xét tuyển, từ cao xuống thấp. "Do vậy, các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc cần 1 kỳ thi tuyển sinh riêng như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực, hoặc các trường đào tạo các ngành đặc thù thì cần các kỳ thi năng khiếu riêng…" - bà Thủy nêu quan điểm.

Nên hạn chế chỉ tiêu học bạ

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết từ năm 2022 trường tuyển ngành dược với 70 chỉ tiêu, năm 2023 tăng lên 100. Nguồn tuyển ngành này rất nhiều nhưng với phương thức xét học bạ trường chỉ giới hạn ở mức khoảng 10% để chọn những thí sinh tốt nhất của phương thức này. Theo TS Nhân, khác với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT hay đánh giá năng lực, kết quả học bạ không có chuẩn chung nên mức độ tin cậy không cao.

Có thể bạn quan tâm